Số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm vào Việt Nam tính từ đầu năm 2011 đến ngày 15-12-2011 đạt 14,7 tỷ USD. Riêng vốn đăng ký mới đạt 11,6 tỷ USD. Tính lũy kế cho đến nay, Việt Nam có tổng cộng 13.667 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 198 tỷ USD.
Tuy nguồn vốn đăng ký mới và tăng thêm năm 2011 có sự sụt giảm đáng kể so với trước, song nguồn vốn FDI đã có những chuyển biến theo hướng tích cực: có tới 76,4% trong số vốn này tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, thay vì chủ yếu đầu tư vào bất động sản. Số vốn thực hiện của năm 2011 đạt 11 tỷ USD, bằng với mức thực hiện của năm 2010, đóng góp khoảng 25,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đóng góp vào thu nội địa của khu vực doanh nghiệp FDI đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Trong bối cảnh tình hình nhiều khó khăn, đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào ngân sách vượt đáng kể so với năm ngoái cũng có nhiều ý nghĩa… Ghi “công” của khối doanh nghiệp FDI, nhưng năm 2011 vừa qua cũng là năm nhiều động thái quản lý nhà nước đã được thực hiện, hướng đến việc điều chỉnh khối doanh nghiệp này.
Đơn cử, việc tăng cường công tác thanh tra chống chuyển giá đã bước đầu thể hiện tác động tích cực: một số doanh nghiệp đã tự điều chỉnh hạch toán để giảm lỗ và có phát sinh thu nhập chịu thuế. Mức thu thuế từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay tăng khoảng 11,3% so với năm 2010 được coi là có phần đóng góp của những nỗ lực chống chuyển giá. Năm 2012, cơ quan thuế dự kiến tiến hành thanh tra 1.276 doanh nghiệp FDI có số lỗ lớn, liên tục; doanh nghiệp lỗ vượt vốn chủ sở hữu nhưng vẫn đầu tư mở rộng. Dù mới chỉ thực hiện được việc thanh tra đối với 856 doanh nghiệp, nhưng đã xử lý giảm lỗ khoảng 4.400 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm trước; đồng thời truy thu thuế và phạt khoảng 1.650 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2010.
Tất nhiên, cuộc đấu tranh chống chuyển giá còn rất phức tạp và lâu dài (bởi lỗ chỉ mới là một dấu hiệu, chưa đủ để kết luận là doanh nghiệp có chuyển giá và ngược lại). Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng có lần chia sẻ với báo giới một câu chuyện về mức độ khó khăn phức tạp của công tác đấu tranh chống chuyển giá. Giá một con chip (mà cơ quan chức năng biết chắc chỉ 10 USD), được doanh nghiệp khai lên thành 12 USD, “nhưng doanh nghiệp có bằng chứng là hóa đơn đỏ nhập khẩu. Khi hỏi cơ quan thuế nước bạn, thì chính họ, vì bảo vệ lợi ích quốc gia mình, cũng trả lời là con chip đó giá 12 USD. Vậy là cơ quan chức năng cũng đành chào thua vì không đủ căn cứ”, ông nói.
Bên cạnh công tác đấu tranh chuyển giá, mới đây, thông điệp không thu hút, kêu gọi thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực sản xuất sắt thép, xi măng và dệt may - những lĩnh vực thâm dụng tài nguyên, năng lượng và lao động - cũng đã được Chính phủ quan tâm. Tại Chỉ thị 1617/CT-TTg (về việc tăng cường và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới), Thủ tướng đã nêu rõ yêu cầu hạn chế các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất, làm gia tăng nhập siêu, tiêu tốn năng lượng; dự án khai thác tài nguyên không gắn với chế biến, sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Tại một cuộc hội thảo gần đây, ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhận định, một số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chưa quan tâm đầy đủ đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quyền lợi của người lao động…
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm trưởng nhóm soạn thảo Đề án Đánh giá thực trạng FDI và đề ra định hướng chính sách, giải pháp để nâng cấp FDI trong giai đoạn 2011 – 2020 (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 2 - 2012). Hy vọng bản đề án sẽ định rõ “công”, “tội” của các doanh nghiệp một cách công bằng, khách quan nhất, tạo cơ sở quan trọng để “bẻ ghi” dòng vốn FDI theo đúng quy hoạch phát triển của nền kinh tế.
ANH THƯ