Chấn chỉnh kỷ cương, vực dậy niềm tin

Kinh tế màu xám hay hồng?
Chấn chỉnh kỷ cương, vực dậy niềm tin

Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội 2013, kế hoạch 2014 và giai đoạn 2011 - 2013 hôm qua (31-10), nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội quan ngại về bức tranh kinh tế năm qua cũng như triển vọng năm tới trong bối cảnh, tình trạng kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm.

Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại hội trường.

Kinh tế màu xám hay hồng?

Lo ngại việc các doanh nghiệp đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi mà nhiều doanh nghiệp có quy mô trung bình ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tăng, ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng, nguyên nhân là do chính sách quá thiên ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu diễn biến kinh tế tiếp tục như hiện nay sẽ gây bất ổn trong trung hạn. Do vậy, Chính phủ cần cố gắng kiềm chế lạm phát song hành với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) băn khoăn, báo cáo của Chính phủ khẳng định nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo điều kiện tăng trưởng cho các tháng cuối năm 2013 và năm 2014. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận xét kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1 - 2 năm tới. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng nền kinh tế đang đi xuống đáy và đang đơn phương đối mặt với những khó khăn so với các nước trong khu vực.

“Chính phủ khẳng định nền kinh tế đang đà phục hồi nhưng lại đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận nâng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 - 2014 là 5,3 GDP chủ yếu để trả nợ là không thực sự thuyết phục” - ĐB Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

Dù thừa nhận đọc báo cáo của Chính phủ thấy “thực sự an tâm”, nhưng ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), đề nghị “Chính phủ cần phải đánh giá một cách khách quan, toàn diện hơn” khi mà 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ 6,8%, hụt thu ngân sách đến trên 20.000 tỷ đồng, 42.000 doanh nghiệp “ra đi” - mà những doanh nghiệp trụ đến 3 năm khó khăn đều là doanh nghiệp mạnh. “Nghe báo cáo của Chính phủ chúng ta thấy màu hồng nhưng báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách lại thấy màu xám còn nhân dân thì nói là màu tối. Đánh giá thực trạng kinh tế phải chính xác, khách quan hơn” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói.

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nghi ngờ các con số thống kê trong báo cáo của Chính phủ. “Đây là vấn đề đã được nói nhiều. Trong các báo cáo, tôi có cảm tưởng những con số đó không thật, có bệnh thành tích. Cần thanh tra, xử lý những cơ quan công bố các con số không trung thực, vì nó ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách, làm giảm lòng tin của nhân dân” - ĐB Hồ Thị Thủy bày tỏ.

Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm

Theo ĐB Nguyễn Thái Học, trong báo cáo của Chính phủ triển khai thi hành luật, pháp lệnh; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013; về tình hình kinh tế xã hội năm 2013, nhiệm vụ năm 2014 - 2015... đều khẳng định kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

“Kỷ luật, kỷ cương là thước đo tính nghiêm minh của quyền lực nhà nước. Một khi kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, tức là quyền lực nhà nước chưa được thực thi một cách đầy đủ. Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những tồn tại hạn chế, yếu kém cứ kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa được chấn chỉnh, khắc phục làm cho hiệu lực quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực kém hiệu quả. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ; cần phải lập lại trật tự kỷ cương, cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tạo được niềm tin của người dân” - ĐB Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhấn mạnh, các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines... đã thoát ra khó khăn để phát triển tốt hơn ta. “Trong các nguyên nhân của ta, tôi cho là nguyên nhân của bộ máy chưa nghiêm, hiệu lực quản lý nhiều nơi còn yếu, một bộ phận cán bộ suy thoái làm giảm lòng tin của nhân dân. Đây là một lực cản đối với sự phát triển, cần giải quyết. Cần gắn cương vị quyền hạn với trách nhiệm để xử lý dứt điểm các vi phạm, có địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể” - ông Hùng đề nghị.

Chia sẻ quan điểm này, ĐB Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) cho rằng, cơ chế chịu trách nhiệm không rõ ràng, kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm đã khiến nhiều vụ việc lớn, nghiêm trọng xảy ra nhưng ít khi hoặc ít người đứng ra chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý. Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương không nghiêm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ... đã làm giảm hiệu quả điều hành của Chính phủ và tác động không nhỏ đến đời sống xã hội.

Tạo dựng lòng tin

Theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), vấn đề lớn nhất của nước ta 2 năm tới không phải là tăng trưởng 5,6% mà quan trọng nhất tạo một sự ổn định vĩ mô, tạo niềm tin để chúng ta có thể phát triển trong giai đoạn sắp tới. Niềm tin không chỉ tùy thuộc vào chính sách điều hành của Chính phủ mà tùy thuộc rất lớn những quyết sách Quốc hội nếu liên quan đến thể chế. Đồng tình với đánh giá và kiến nghị của Ủy ban Kinh tế Quốc hội là không nóng vội vấn đề thúc đẩy tăng trưởng, làm gia tăng lạm phát, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, chính sách tiền tệ nên được xử lý linh hoạt; trong điều hành chính sách tài khóa cần cố gắng sử dụng hiệu quả nhất dòng tiền “đang nằm ở chỗ này, chỗ kia”.

Tuy nhiên, điều khiến ĐB Trần Du Lịch băn khoăn là, năm 2014 lượng trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành quá lớn sẽ làm khó khăn trong giảm lãi suất và vấn đề phân bổ nguồn lực tín dụng cho các thành phần kinh tế khác. Đây là điểm cần cân đối chặt chẽ, không thì chúng ta sẽ bị thiếu phần cung cho thị trường.

ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đề nghị năm 2014 vẫn phải tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Bội chi ngân sách cần được xác định cho cả 2 năm 2014 - 2015. Phải phát hành TPCP nhưng trong tình hình mất cân đối thu - chi ngân sách hiện nay, cần triệt để tiết kiệm chi ngân sách, đầu tư có trọng điểm, dành vốn ưu tiên các dự án cấp bách.

Liên quan đến việc Chính phủ đề nghị nâng bội chi từ 4,8% lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 tỷ đồng TPCP, hầu hết các ĐB đều cơ bản đồng thuận. Tán thành mở rộng đầu tư công chừng mực trong giới hạn cho phép, phát hành TPCP, nâng bội chi nhưng nhiều ĐB cho rằng cần phải có biện pháp khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chỉ ưu tiên đầu tư các công trình thiết yếu, tạo sự thay đổi trong phát triển kinh tế vùng miền. Bên cạnh đó, có biện pháp tạo môi trường để thu hút các nguồn lực khác trong đầu tư từ đó giảm tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội.

  • Đại biểu Trần Du Lịch: Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn trì trệ

Về tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty, tôi cho là quá trì trệ. Trì trệ không phải là do kỹ thuật, mà trì trệ do quan điểm của ta về cách làm. Quan điểm của tôi là những doanh nghiệp nào đã xác định nhà nước không cần đầu tư nữa như nhà hàng, khách sạn, du lịch, may mặc, da giày, cà phê, cao su... thì cổ phần hóa. Nếu xác định cổ phần hóa cả tổng công ty thì nhà nước giữ bao nhiêu, còn bao nhiêu đợi định giá xong thì bán, thu tiền về làm việc khác. Theo tôi, lĩnh vực nào thị trường làm được thì nhà nước không làm. Nhà nước chỉ bổ sung những khuyết thiếu của thị trường, chứ không làm thay thị trường.

  • Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Phải tiết giảm nguồn chi, giảm áp lực nợ

Việc nâng trần bội chi 4,8% lên 5,3% năm 2013 khiến cho nợ công và nợ Chính phủ tăng nhanh. Mặc dù nằm trong giới hạn cho phép nhưng đã ở mức cao và cần có cảnh báo vì như tất cả mọi người đều thấy, khủng hoảng nợ công ở châu Âu để lại hậu quả hết sức nặng nề. Nới trần cho bội chi là cần thiết, nhưng không có nghĩa là chi hết mức 5,3% mà Chính phủ phải phấn đấu tiết kiệm tối đa, để giảm bớt áp lực đối với nợ.

 

NGỌC QUANG - PHAN THẢO


  • Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Tăng năng suất để cải thiện đời sống nông dân

Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân tồn tại nhiều khó khăn, ví dụ vấn đề tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm lại trong những năm gần đây. Năng suất vẫn tăng nhưng lại phải bù vào thiệt hại do thiên tai và giảm đất sản xuất. Để cải thiện đời sống của bà con, phải tìm mọi cách để thúc đẩy tăng năng suất nông nghiệp. Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt và đang triển khai. Nhiệm vụ chính là cơ cấu lại ngành hàng, tập tung phát triển các cây - con có thế mạnh, cùng với đó điều chỉnh lại hình thức tổ chức sản xuất...

  • Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo

Tiếp thu ý kiến cử tri, ĐB Quốc hội, Chính phủ đã giao các bộ liên quan rà soát lại những bất cập của Nghị định 109 quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo và đã trình Chính phủ. Theo đó, mọi doanh nhân đủ điều kiện sẽ được tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó có ưu tiên các doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ lúa gạo dài hạn với bà con nông dân. Doanh nghiệp nào 2 năm liền không xuất khẩu được 10.000 tấn/năm trở lên thì rút giấy phép.

Thương nhân, thương lái đang có đóng góp không nhỏ đối với xuất khẩu gạo và không thể thiếu ở ĐBSCL. Phần lớn bà con trữ lúa tại đồng ruộng, vì thế lực lượng thương lái này có vai trò rất lớn bởi không phải doanh nghiệp xuất khẩu gạo nào cũng vươn đến tận các ngõ ngách để thu mua gạo cho bà con. Vấn đề là chúng ta có giải pháp để khắc phục mặt trái của các thương nhân thương lái.

  • Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Lê Hữu Đức: Cần nghiêm trị những kẻ lừa đảo trong quy tập hài cốt liệt sĩ

Đến nay Bộ Quốc phòng và Bộ LĐTB-XH cùng các địa phương đã tổ chức quy tập hơn 939.000 hài cốt liệt sĩ. Hiện nay Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo quyết liệt thực hiện đề án tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo hơn 200.000 hài cốt. Vừa qua có một số thông tin về hài cốt liệt sĩ giả, tôi cho rằng việc lừa đảo thân nhân những người đã đổ xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc là không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải nghiêm trị những kẻ có hành vi vô lương tâm này.

NGỌC QUANG - PHAN THẢO - BẢO VÂN (ghi)

Tin cùng chuyên mục