Chấn chỉnh kỷ luật chi ngân sách

Năm 2014, theo dự toán, thu cân đối ngân sách là 782.700 tỷ đồng, tăng 30.400 tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2013; chi khoảng 1.006.700 tỷ đồng, tăng 20.400 tỷ đồng so với năm 2013. Khả năng cân đối ngân sách hạn chế đã khiến Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội nới bội chi ở mức 5,3% (khoảng 224.000 tỷ đồng, năm 2013 là 195.000 tỷ đồng) - dù lộ trình phải giảm dần về mức 4,5% năm 2015 đang đến gần.

Tuy nhiên, đây mới chỉ số liệu mang đúng nghĩa của “dự toán”, còn việc thực hiện đến đâu, đúng như quy định hay không còn phải chờ số liệu chốt thực tế mà phải đến năm sau người dân mới biết. Thế nhưng, ngay tại thời điểm này, nhiều chuyên gia đều lo ngại, với kỷ luật ngân sách còn chưa nghiêm thì việc “vỡ” kế hoạch bội chi vẫn có thể xảy ra. Chẳng hạn, ngay năm 2013, dù Quốc hội đã quyết số liệu chi nhưng theo dự tính hết năm vẫn ước đạt 986.300 tỷ đồng, tăng 8.300 tỷ đồng, tương đương 0,8% so với dự toán.

Việc chi tiêu ngân sách tùy tiện, dùng tiền ngân sách theo kiểu “tiền chùa” đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu nhưng trong thực hiện, giám sát dường như vẫn có sự “du di” với nhau. Điều này thể hiện ở hai việc.

Thứ nhất, mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ tiến hành rà soát 3 dự án đường cao tốc (Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Hải Phòng) đã tiết giảm gần 15.000 tỷ đồng - kém khoảng 10.000 tỷ đồng nữa thì đúng bằng con số hụt thu ngân sách của cả năm nay. Điều đó cho thấy, dường như trước đây, cơ quan lập và phê duyệt đã quá “xông xênh” với nhau và ngân sách, người dân lại phải chi, đóng những đồng thuế cho các khoản vô lý này.

Việc thứ hai, theo Luật Ngân sách Nhà nước, tăng bội chi chỉ được dùng cho đầu tư phát triển. Thế nhưng, với một năm khó khăn như 2013, tăng bội chi được dùng cả trong trả nợ. Đó là một thực tế mà nói như một đại biểu Quốc hội: “Dù trái với luật nhưng nhiều đại biểu lại không thể không thông qua nới bội chi vì không còn giải pháp nào khác trong tình hình hiện nay. Một sự đã rồi!”.

Hướng về năm 2014, ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thu, chi, trả nợ. Theo tính toán, năm tới, ngân sách phải chi trả nợ khoảng 120.000 tỷ đồng nhưng cũng đồng thời lại phải đi vay 70.000 tỷ đồng để đảo nợ. Điều đó có nghĩa, khả năng cân đối tài chính quốc gia đang gặp phải những vấn đề mang tính nghiêm trọng. Và, dù đã được nghe nhiều lần về nợ công vẫn an toàn nhưng rõ ràng, đa số các đại biểu và chuyên gia đều không yên tâm khi mà thu không đủ chi, phải đi vay để tiêu, đảo nợ. Với tình hình hiện nay, sự lo lắng là tất yếu.

Trong khi thu gặp được dự báo tiếp tục khó khăn thì chi lại đang thể hiện như... nhà đang có tiền. Theo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, khi tốc độ tăng thu giảm, bội chi ngân sách cao hơn kế hoạch, dư nợ công tăng nhanh, nhiều khoản nợ của ngân sách chưa được xử lý nhưng dự toán chi năm 2014 theo đề nghị của Chính phủ vẫn tăng 2,9% so với dự toán năm 2013. Điều đó chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay. Thậm chí, qua giám sát, cơ quan này còn đề nghị Chính phủ không ban hành chính sách chi an sinh xã hội mới khi chưa thể cân đối được nguồn thực hiện.

Có đại biểu trên diễn đàn Quốc hội tuần qua còn bức xúc nói thẳng, việc tiết kiệm chi tiêu 10% hiện nay “không giải quyết được vấn đề gì” mà mấu chốt là phải giảm chi ngân sách cho chi thường xuyên. Bởi dù đã nói rất nhiều lần phải tinh giản đội ngũ công chức, viên chức để dành nguồn lực cho những người làm việc hiệu quả, cho chi phí khác nhưng số lượng này không những không giảm đi mà còn tăng lên. Đông nhưng không tinh nên ngân sách vẫn phải gồng lên trả cho đội ngũ chỉ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Nếu giảm được, rõ ràng, ngân sách sẽ bớt được rất nhiều gánh nặng khi mà theo tính toán nếu năm 2005, 2 khoản chi thường xuyên và bộ máy hành chính tăng lần lượt 25% và 8% thì đến năm 2012 đã tăng tương ứng 73% và 12%.

Đã không ít ý kiến cho rằng đã đến lúc cần thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay, ngăn, giảm tình trạng xin - cho hiện nay. Hay Quốc hội cần phải làm dự toán, duyệt, phân bổ ngân sách, coi phân bổ ngân sách hàng năm như một luật và nếu không thực thi đúng là phạm luật nhằm tránh chi nhiều, vay mượn, tạm ứng. Đây là điều rất đáng suy nghĩ nhưng có lẽ, đặt trong bối cảnh hiện nay và sắp tới, việc rà soát, siết kỷ luật chi tiêu nên là ưu tiên, là vấn đề hết sức cấp thiết và cần hành động ngay.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục