Không phải ngẫu nhiên mà khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên mới ngày 21-8, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lại dành khá nhiều thời gian để chia sẻ về những “sức ép” khá gay gắt từ cộng đồng doanh nghiệp, các phái đoàn ngoại giao và cả các địa phương dồn tới ủy ban ông đang phụ trách trong quá trình thẩm tra dự thảo. Việc tăng thuế luôn làm xáo trộn bài toán kinh doanh, làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế đang còn rất khó khăn. Trường hợp là doanh nghiệp nước ngoài, điều này còn có nguy cơ khiến các nhà đầu tư chán nản, mất lòng tin vào sự ổn định chính sách. Với những dự án đang trong quá trình chuẩn bị triển khai ở những tỉnh miền núi khó khăn (như dự án Niken Bản Phúc, tỉnh Sơn La), chủ trương điều chỉnh tăng thuế suất có thể làm đình trệ dự án và địa phương mất nhà đầu tư tiềm năng khi mà để thu hút được thật chẳng dễ dàng gì!
Nhưng vấn đề là ở chỗ, nước ta không giàu có về khoáng sản như nhiều người lầm tưởng. Đơn cử, mặt hàng than - vốn đã được khai thác, xuất khẩu hàng trăm năm nay - thực tế đã phải nhập khẩu để sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện. Bên cạnh mục tiêu không khuyến khích khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị kinh tế lớn, bảo vệ nguồn tài nguyên cho tương lai, thì điều chỉnh chính sách thuế còn hướng đến một mục tiêu quan trọng khác là tạo ra mặt bằng bình đẳng trong khai thác và sử dụng tài nguyên đối với mọi đối tượng trong xã hội. Thực tế cho thấy, hiện còn có tình trạng mua bán khí thiên nhiên với các mức giá chênh lệch nhau khá lớn, phụ thuộc vào đối tượng mua và mục đích sử dụng, dẫn đến thất thu cho ngân sách. Tương tự là quy định miễn thuế tài nguyên đối với đất, đá, cát, sỏi trong phạm vi các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi công cộng - vốn rất dễ bị lợi dụng...
Dư luận không thể không băn khoăn khi nghe chính vị tư lệnh ngành tài nguyên môi trường xác nhận, đã có tới gần 1.000 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp trái với các quy định pháp luật. Việc khai thác, xuất khẩu cát sỏi lòng sông cũng có tới hơn 30 địa phương để xảy ra sai phạm. Tính chất và mức độ vi phạm của hoạt động khai thác khoáng sản trái phép được nhìn nhận là ngày càng tinh vi, phức tạp và diễn ra khá công khai, kể cả ngày lẫn đêm, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau (đào ao, trồng rừng, làm đường, xây dựng công trình hạ tầng...). Trong khi đó, phương thức thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để giải tỏa lực lượng khai thác khoáng sản trái phép có tính chất “mùa vụ”, hiệu quả không cao. Bên cạnh đó cũng chưa có những quy định và chế tài xử lý mạnh mẽ đối với người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để diễn ra hoạt động khai thác trái phép, tái diễn hoặc diễn ra công khai, lâu dài mà không xử lý dứt điểm.
Việc tăng thuế suất để bảo vệ nguồn tài nguyên không tái cao, chống xuất thô nếu thực hiện không đúng thời điểm và thiếu biện pháp khéo léo sẽ lợi bất cập hại, bởi điều đó chỉ tác động đến những doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh, có đăng ký kinh doanh và nộp thuế. Những “quặng tặc” nhởn nhơ đào lấy được, “tận diệt” khoáng sản, tàn phá môi trường không hề bị ảnh hưởng bởi các quy định này, vì họ xưa nay không hề nộp thuế! Khi các doanh nghiệp chân chính bỏ cuộc, rất có thể nạn quặng tặc còn trỗi dậy với những tác hại ghê gớm hơn.
Tăng thuế suất sẽ là giải pháp chưa đầy đủ khi mà các công cụ mạnh để bảo vệ nguồn tài nguyên cũng như ngăn chặn khai thác trái phép hiện vẫn chưa đủ mạnh, chế tài xử phạt đối với hành vi này còn thấp, không bảo đảm tính răn đe, khi mà các lực lượng khai thác khoáng sản trái phép ngày càng lộng hành; tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản dạng nguyên liệu thô qua biên giới bằng các con đường khác nhau tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn chưa được ngăn chặn...
Trước thực trạng lộn xộn trong khai thác khoáng sản, việc cần làm ngay là sự vào cuộc chấn chỉnh một cách quyết liệt của cơ quan chức năng để lập lại trật tự quản lý hoạt động khoáng sản, bảo vệ nguồn tài nguyên quý báu của quốc gia và tránh thất thu ngân sách.
ANH THƯ