“Chân đất” hai lần nhận vòng nguyệt quế

“Chân đất” hai lần nhận vòng nguyệt quế

Hai lần lên bục nhận vòng nguyệt quế trong buổi trao giải thưởng cuộc thi, ông Lành khiến mọi người tò mò về tài năng sáng tạo. Nhưng cả hội trường cười òa khi thấy ông nông dân gãi đầu ấp úng phát biểu cảm tưởng: “Thiệt tui không biết nói chi bây chừ”.

Cái khó ló cái khôn

Hoàn cảnh khó khăn, ông Lành chỉ học lớp 4 rồi trở về đồng ruộng tăng gia sản xuất. Nhờ có chút vốn nghề cơ khí, ông mở một xưởng sửa chữa trong xã kiếm thêm thu nhập. Ít học, nhưng giàu óc sáng tạo, những sản phẩm ông làm ra thu hút nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng.

Ông Lành bên máy bóc lạc thương hiệu Hữu Lành.
Ông Lành bên máy bóc lạc thương hiệu Hữu Lành.

Chiếc máy bóc vỏ lạc - sáng chế đầu tiên ra đời năm 1986, lúc đó do một người buôn tỏi gợi ý. “Tui ngồi tưởng tượng xem kích cỡ quả lạc, tính toán tốc độ gió, vận dụng búa đập cao su làm răng cho hạt đi đằng hạt, vỏ đi đằng vỏ rồi bắt tay vô làm liền. Chiếc máy đầu tiên làm bằng gỗ, to bằng bàn giấy, bán được 600 ngàn”, ông Lành nhớ lại.

Tiếng đồn lan truyền, từ năm 1990 trở đi, máy bóc vỏ lạc thương hiệu Hữu Lành có mặt từ Đắc Lắc cho đến Bắc Giang. Cao điểm trong vòng 2 tháng, ông cùng nhân công ở xưởng chế tạo đến 40 máy cung cấp cho thị trường các tỉnh. Dần dần, chiếc máy được cải tiến và thêm chức năng phân loại hạt. Chính sản phẩm “Cải tiến máy bóc vỏ lạc sàng phân loại” đã nhận được giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (STKT). Hiện nay, chiếc máy bóc vỏ lạc cỡ nhỏ cho công suất 2 tấn lạc/ngày; máy cỡ lớn năng suất gấp hai chục lần máy nhỏ.

Thời gian gần đây, người ta đặt hàng một máy bóc vỏ hạt mè, ông nhận lời và bắt tay vào làm với suy nghĩ đơn giản sẽ làm như máy bóc vỏ lạc. Mất 6 tháng nghiên cứu, 15 triệu đồng “ra đi” vì máy hoạt động không hiệu quả, hạt mè có hiện tượng bị cháy sau khi tuốt.

Mày mò sửa chữa, một thời gian sau, chiếc máy hoàn thiện với cơ chế dùng nước làm mềm vỏ trước khi đưa vào tuốt. Sáng chế này được ban tổ chức Hội thi STKT trao giải nhì và gửi đi tham dự Hội thi STKT toàn quốc 2007. Với sự giúp đỡ của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật, ông Lành đang được hướng dẫn đăng ký sở hữu trí tuệ cho “Máy bóc vỏ hạt mè”.

Nhờ dân, vì dân

...và trong lễ nhận giải thưởng Sáng tạo KHKT (ông Lành đứng bìa phải).
...và trong lễ nhận giải thưởng Sáng tạo KHKT (ông Lành đứng bìa phải).

Ngoài sáng tạo máy bóc vỏ lạc, bóc vỏ hạt mè, ông Lành còn có hàng loạt cải tiến về máy móc phục vụ sản xuất cho bà con địa phương. Bên cạnh máy xay nhựa, máy cắt hành, máy cắt sắn… sản phẩm gần đây đang được bà con ở Thừa Thiên-Huế sử dụng rộng rãi là bộ giàn cày có tính năng làm cỏ và cày ải.

Do máy cày Nhật mua về không hợp với việc cày ải ở những vùng đất cứng như miền Trung nên hàng chục triệu đồng của người dân đành “bỏ xó”. Chiếc máy “khó bảo” được nông dân mang về “đặt hàng” ông Lành cải tiến. 3 tháng sau, chiếc máy do ông cải tiến không chỉ khắc phục được những nhược điểm cũ mà còn thêm tính năng cắt cỏ trước khi cày.

Một điều đặc biệt là tất cả sáng chế của ông Lành đều không có bản vẽ. Hàng năm, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Huế đều đến cơ sở bác Lành để thực tập, học hỏi kinh nghiệm. Không ít bạn trẻ khâm phục khả năng sáng tạo kỳ lạ đặc biệt của bác nông dân giàu trí tưởng tượng này. Cứ máy móc nào hỏng hóc hoặc cần cải tiến là người dân đều mang đến cậy nhờ bác Lành. “Ông giỏi lắm, chỉ cần nghe gợi ý là làm được liền, máy móc vào tay ông Lành là chạy “mát” lắm, khỏi lo luôn!”, anh Ngọc Nam, một nông dân đến đặt hàng tấm tắc khen.

Người dân chính là các nhà thẩm định chất lượng sản phẩm của ông Lành. Chính nhờ họ mà ông khắc phục nhiều chi tiết máy và đơn giản hóa được cơ chế hoạt động. “Làm ra máy mới, nông dân sẵn sàng thay tui làm thí nghiệm, lúc thì cày ruộng, lúc bóc vỏ…”. Có người vì ông mà cứ tốn xăng, tốn dầu mấy lượt nhưng thành công rồi ai cũng vui.

Ông Lành luôn lắng nghe yêu cầu khó tính của nông dân bởi đơn giản, họ chính là nguồn kích thích ông sáng tạo. Hễ có người đặt hàng là ông nhận lời ngay. Tận tình và không bao giờ bó tay trước mọi thử thách, cơ sở cơ khí Hữu Lành ở xã Hương Văn luôn là nơi đặt hàng tin cậy của nhiều nông dân tận Đắc Lắc, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh….

Lâm Anh

Tin cùng chuyên mục