Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ và TCCN.
Theo đó, tất cả trường ĐH, học viện trong cả nước không được đào tạo trình độ TCCN, trừ các trường thuộc nhóm ngành văn hóa nghệ thuật. Đối với những trường đang đào tạo trung cấp phải xây dựng lộ trình giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh với tỷ lệ không cao hơn 25% so với năm 2011, tiến tới chấm dứt hoàn toàn đào tạo hệ này trước năm 2017.
Đây là một trong những động thái “du di” đầu tiên của cơ quan lãnh đạo trước tình trạng thông tư đã có, quy định lẽ ra phải được thực hiện từ năm 2012 nhưng vẫn bị các trường ngó lơ thực hiện. Song, như bày tỏ của lãnh đạo một trường trung cấp trên địa bàn TPHCM, khi Thông tư 57 được ban hành, xã hội đang trông chờ việc siết chặt mạnh tay nhằm sắp xếp lại những bất ổn của đào tạo đại học. Nhưng không lâu sau đó, hy vọng này đã nhanh chóng vụt tắt khi thông báo tuyển sinh của hàng loạt trường ĐH trên cả nước vẫn “thầu” thêm hệ trung cấp.
Dự thảo lần này cho phép các trường nới rộng thời gian thực hiện đến năm 2017 khiến nhiều người hoài nghi đặt câu hỏi, đây có phải là một trong những động thái “giơ cao đánh khẽ” tiếp theo kiểu cấm không được thì mở rộng của các cấp lãnh đạo?
Đó là chưa kể quy định tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay có thêm điểm mới: Các trường ĐH, CĐ được phép tuyển sinh thành nhiều đợt, không giới hạn thời gian đến khi tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo. Điều này khiến các trường trung cấp, vốn trông cậy rất nhiều vào nhóm thí sinh rớt ĐH, CĐ chọn học nghề để lập nghiệp khó khăn hơn trong tuyển sinh và đào tạo. Trước tình hình đó, liệu các trường có chờ nổi 5 năm, khi TCCN thật sự trả về cho các trường trung cấp? Và khi chính thức được ban hành, quy định chẳng những không thể khiến các “ông anh” ĐH hạn chế đào tạo trung cấp (bởi ra đời sau khi số lượng chỉ tiêu tuyển sinh 2012 đã được công bố) mà còn tạo điều kiện cho các trường “ăn cú chót” trước khi hạn chế từ năm sau. Bởi thế hiện nay, để cầm cự, hầu hết các trường TCCN đều phải chọn giải pháp lấy ngắn nuôi dài, tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi như chia nhỏ học phí, người học chỉ cần đóng trước 500.000 đồng là nhập học, miễn phí tài liệu trong toàn khóa học, mở các lớp ôn thi tin học, ngoại ngữ miễn phí, chấp nhận lỗ vốn để giữ chân người học.
Ngoài ra, nhằm duy trì hoạt động, nhiều trường còn mở thêm các lớp dạy nghề ngắn hạn 3 - 6 tháng, liên kết với các trung tâm bồi dưỡng văn hóa chiêu sinh thêm các lớp tiếng Anh, nấu ăn, cắm hoa buổi tối. Điều này vô hình chung lại phạm vào thị phần của các trung tâm dạy nghề quận, huyện, khiến nhiều nơi lâm vào cảnh sống dở, chết dở. Giám đốc trung tâm dạy nghề một quận vùng ven cho biết, người dân trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây có khuynh hướng học nghề ở các trường trung cấp hơn trung tâm đào tạo quận, huyện. Do đó, mặc dù đã rất cố gắng chạy đua trong việc khuyến mãi, tặng quà, giảm học phí nhưng tuyển sinh mỗi năm một kém, đào tạo luôn trong cảnh giật gấu vá vai.
Thế mới biết sắp xếp lại đào tạo không đơn giản chỉ là việc chặn đầu này, mở rộng đầu kia. Quyết định để một hình thức tồn tại hay không tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào tính phân bổ thị trường và cơ chế điều hành giữa các nhóm quyền lợi xã hội. Làm không khéo sẽ tạo thành mâu thuẫn lớn, khiến mớ dây đã rối càng thêm quẩn quanh…
Thanh Thu