Chặng đường 6 năm tái cấu trúc DN tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn: Phát triển đi vào chiều sâu

Việc tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) thực hiện từ 6 năm trước, ngay sau khi thành lập đơn vị (cuối năm 2006). Chặng đường 6 năm xây dựng và phát triển với hướng đi đúng đắn qua nhiều đợt tái cấu trúc, đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại đã giúp CNS đạt được kết quả đặc biệt: doanh thu tăng trưởng bình quân 17,51%/năm, nộp ngân sách tăng trưởng bình quân 18,29%/năm…
Chặng đường 6 năm tái cấu trúc DN tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn: Phát triển đi vào chiều sâu

Việc tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) thực hiện từ 6 năm trước, ngay sau khi thành lập đơn vị (cuối năm 2006). Chặng đường 6 năm xây dựng và phát triển với hướng đi đúng đắn qua nhiều đợt tái cấu trúc, đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại đã giúp CNS đạt được kết quả đặc biệt: doanh thu tăng trưởng bình quân 17,51%/năm, nộp ngân sách tăng trưởng bình quân 18,29%/năm…

Tái cấu trúc lần 1

Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng Giám đốc CNS nhớ lại: Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn được thành lập sau cùng theo mô hình công ty mẹ - công ty con của TP nên các đơn vị còn lại trực thuộc Sở Công nghiệp sáp nhập về CNS đều có chung tình trạng: vốn thấp, trình độ công nghệ, trang thiết bị lạc hậu, không còn lợi thế trong sản xuất kinh doanh. “Thậm chí có đơn vị hoạt động đình trệ, thua lỗ sáp nhập về là để xóa nợ”, ông Nguyễn Văn Thọ cho biết. Chính vì điều này, Ban lãnh đạo Tổng Công ty lên kế hoạch triển khai ngay việc tái cấu trúc DN bằng việc đánh giá lại nguồn lực của từng doanh nghiệp với  4 nội dung xác định gồm: nhân lực - tài lực - ngành nghề, trình độ kỹ thuật, công nghệ, máy móc thiết bị - tái cấu trúc hệ thống. Trong đó, lãnh đạo CNS nhận định: Con người là yếu tố quyết định nên tái cấu trúc nguồn nhân lực được ưu tiên hàng đầu. CNS giải quyết bài toán này qua việc tìm kiếm, tăng cường nguồn nhân lực bổ sung cho đội ngũ hiện tại (chưa thực hiện ngay việc thay thế). Tiếp theo đó, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung để người lao động đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Tổng Công ty đã liên kết với Trường PACE mở khóa đào tạo CEO cho 60 cán bộ chủ chốt, các khóa đào tạo CFO và nhiều cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài.

Chặng đường 6 năm tái cấu trúc DN tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn: Phát triển đi vào chiều sâu ảnh 1

Đầu tư công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh là mục tiêu được lãnh đạo CNS quan tâm hàng đầu. Ảnh: Thanh Xuân

Trước tình hình vốn tại các đơn vị trực thuộc thấp, hoạt động khó khăn, để tái cấu trúc nguồn tài lực, CNS một mặt chỉ đạo thực hiện công tác lành mạnh hóa tài chính, một mặt thực hiện điều chuyển vốn hợp lý cho các ngành nghề, DN và hỗ trợ vốn bằng nhiều hình thức như: đầu tư tăng vốn, để lại lợi nhuận, cổ tức cho đơn vị hoạt động trong thời gian dài mà không tính lãi, hỗ trợ cho vay ngắn hạn hoặc đứng ra bảo lãnh để ngân hàng cho các đơn vị vay tín dụng… “Hiệu quả từ cách làm này, một mặt giúp các đơn vị có đủ nguồn vốn đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu chi phí sản xuất, lãi vay làm tăng sức cạnh tranh; mặt khác tạo điều kiện cho các đơn vị có đủ vốn để đầu tư chiều sâu, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm củng cố phát triển sản xuất kinh doanh”, một lãnh đạo CNS phân tích.    

Nguồn nhân lực, tài lực là quan trọng số một nhưng trình độ khoa học kỹ thuật, trang thiết bị máy móc hiện đại giúp DN gia tăng được năng suất lao động, sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, có hàm lượng giá trị gia tăng cao cũng quan trọng không kém. Nhưng thực tế hầu hết máy móc thiết bị tại các DN khi sáp nhập về CNS đều cũ kỹ, lạc hậu, nhiều loại được trang bị trước ngày giải phóng nên việc tái cấu trúc nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ, đổi mới máy móc thiết bị được xem là yếu tố sống còn tại CNS. Do vậy, Tổng Công ty đã tập trung đổi mới kỹ thuật, công nghệ, máy móc thiết bị, cơ sở sản xuất thông qua thực hiện đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất tại các nhà máy hiện tại cũng như thông qua quá trình di dời nhà máy theo quy hoạch. Tính chung giai đoạn 2006-2011, CNS đổi mới và nâng cao công nghệ đạt 1.518 tỷ đồng, các dự án đang và sẽ đầu tư triển khai trị giá 17.954 tỷ đồng. Công tác phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được chú trọng với hơn 60 sáng kiến, đề tài làm lợi cho Tổng Công ty gần 20 tỷ đồng.

Song song đó, CNS cũng tiến hành tái cấu trúc hệ thống để sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp trong Tổng Công ty nhằm hợp lý hóa quá trình sản xuất; tận dụng khai thác, phát huy các nguồn lực sẵn có hỗ trợ lẫn nhau giữa các DN để đẩy mạnh sự phát triển các ngành công nghiệp. Khi nền sản xuất đã ổn định, chất lượng hàng hóa được nâng cao, hàm lượng giá trị sản phẩm gia tăng, CNS tiến hành tái cấu trúc hoạt động thương mại, chuyên môn hóa hoạt động phân phối.

Doanh thu: tăng trưởng bình quân 17,51%/năm

Việc thực hiện đồng bộ, bài bản các nhóm giải pháp nói trên CNS thật sự tạo được nền tảng, đưa DN phát triển vào chiều sâu với kết quả đạt được ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu trung bình hàng năm đạt 17,51% (hóa chất tăng 22,82%, cơ khí tăng 12,31%...). Về năng lực vốn, ngành công nghiệp hóa chất tăng 3,9 lần, ngành cơ khí tăng 2,5 lần, thực phẩm tăng 1,95 lần, điện tử tin học tăng 1,83 lần. Nộp ngân sách tăng trưởng từ 8,28% năm 2007 tăng đến 21,53% năm 2011. Đặc biệt, với tư duy năng động trong kinh doanh “khi người ta ngủ mình phải thức” nên trong giai đoạn 2009-2011 dù kinh tế bị suy thoái nhưng CNS vẫn đạt kết quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh với doanh thu tăng 47%, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,71%. Riêng năm 2012 được xem là giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế với những biến động khó lường khiến hàng loạt DN phải thu hẹp sản xuất, phá sản thì các dự án lớn của CNS vẫn triển khai…

Chặng đường 6 năm tái cấu trúc DN tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn: Phát triển đi vào chiều sâu ảnh 2

Đào tạo nguồn nhân lực được xem là vấn đề cốt lõi của CNS

“Sau 5 năm thực hiện tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng CNS đã thật sự tạo được cho mình nền tảng, đưa DN phát triển đi vào chiều sâu”, ông Đặng Ngọc Hùng, Phó Tổng Giám đốc CNS khẳng định. Trên cơ sở đó, CNS đã xác lập kế hoạch, chiến lược phát triển ngắn, trung và dài hạn. Trong đó, mục tiêu trước mắt được xác định là hoàn thành các chỉ tiêu, điều hành DN phát triển năm sau cao hơn năm trước, tiếp tục nâng cao giá trị hàm lượng gia tăng của những sản phẩm hiện có. Với chiến lược trung hạn sẽ mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển những dòng sản phẩm mới. CNS đặc biệt chú trọng thành lập các DN nhỏ và vừa để có sức năng động lớn, linh hoạt, dễ xoay chuyển và phù hợp nhanh với thị trường. Bên cạnh đó là thành lập các khu, cụm công nghiệp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tập hợp các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, phụ tùng cho các ngành công nghiệp, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, khai thác tối ưu công suất dư thừa các nhà máy, tạo ra những ngành nghề sản xuất cạnh tranh, chi phí giá thành thấp, chất lượng được nâng cao. Đối với chiến lược dài hạn, kế hoạch cho năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 và xa hơn nữa là sản xuất 2 dòng sản phẩm chiến lược, trọng điểm quốc gia là Dự án sản xuất Chip điện tử và Dự án Rèn – Dập – Đúc.

Cần mạnh dạn trao quyền tự chủ cho DNNN

 Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đã triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2009; Hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001:2007; Hệ thống an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP; Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo CNS thì ngoài sự nỗ lực không ngừng của DN, để thúc đẩy sự phát triển của DN mạnh mẽ hơn thì Nhà nước cần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo cơ chế thông thoáng cho DN phát triển. Hiện nay DN đang gặp quá nhiều rào cản từ thủ tục, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập, số lượng ban hành lớn nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành chưa chặt chẽ dẫn đến các văn bản hướng dẫn trùng lắp, thậm chí có khi mâu thuẫn nhau, hay chưa có sự tách bạch về vai trò chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước cũng gây nên sự chồng chéo trong quản lý, gây lúng túng cho DNNN trong quá trình hoạt động. Một khía cạnh nào khác cho thấy, DNNN đang chịu sự kiểm tra, giám sát và can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều tầng quản lý, từ Trung ương đến địa phương mà chưa mạnh dạn trao quyền tự chủ cho DNNN quyết định các vấn đề trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chính điều này làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và tính linh hoạt của DNNN trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

CNS luôn hỗ trợ công ty con đầu tư trang bị máy móc, mở rộng hoạt động sản xuất (dây chuyền sản xuất băng tải tại Công ty Cao su Bến Thành)

CNS luôn hỗ trợ công ty con đầu tư trang bị máy móc, mở rộng hoạt động sản xuất (dây chuyền sản xuất băng tải tại Công ty Cao su Bến Thành)

Ngoài ra, quy chế trả lương tại các DNNN hiện nay phụ thuộc vào sự quản lý của các cơ quan nhà nước nên DN không linh hoạt, không tự chủ và không theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế, do đó không phù hợp và không thể cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Đây cũng là trở ngại cho DNNN khi muốn thu hút nhân tài đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành mũi nhọn cũng như tuyển chọn các vị trí mang tính đặc thù cao… Tất cả những vấn đề nói trên được quan tâm sớm tháo gỡ sẽ tạo động lực lớn thúc đẩy hoạt động của DN phát triển ở tầm cao mới.

 CNS được chọn làm mẫu về tái cấu trúc doanh nghiệp 

Với tiềm lực về tài chính và cũng là đơn vị đang thực hiện 4 ngành công nghiệp mũi nhọn của TP với nhiều dự án trọng điểm đang triển khai, UBND TPHCM chọn Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn làm điểm thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, CNS xây dựng chương trình tái cấu trúc của đơn vị và các đơn vị thành viên; đề xuất chọn đơn vị tư vấn có uy tín và năng lực tốt cho chương trình này. Sở TT-TT được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình đề xuất đơn vị tư vấn để hỗ trợ CNS về ứng dụng CNTT.

Sở KH-CN hỗ trợ CNS xây dựng chương trình tổng thể ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ cho CNS nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp nghiên cứu mô hình của CNS sau khi thực hiện thí điểm để nhân rộng các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Thực hiện chỉ đạo này, CNS đang triển khai phối hợp với các cơ quan ban ngành TP để được hỗ trợ tư vấn chuyên môn gồm: Sở KHCN; Sở TTTT; Viện Nghiên cứu phát triển TP…

CNS đang cùng với các sở, ngành TP trình UBND TPHCM chọn đơn vị tư vấn có uy tín để soạn thảo nội dung đề án. CNS cũng đã thành lập ban chỉ đạo và Tổ công tác tái cấu trúc của Tổng Công ty để cùng phối hợp công tác với các cơ quan đơn vị trên. Hiện nay, CNS đang khẩn trương các bước xây dựng đề án tái câu trúc, lấy ý kiến các cơ quan ban ngành TP trước khi báo cáo UBND TP vào cuối tháng 6-2012.  

Tin cùng chuyên mục