

Văn phòng công tố Brussels (Bỉ) vừa thông báo, Bienvenu Mbutu Mondondo, 38 tuổi, sinh viên người Congo đang học khoa học chính trị ở Brussels, đã đâm đơn kiện nhà xuất bản Moulinsart và những người có liên quan, tố cáo truyện tranh Tintin ở Congo là phân biệt chủng tộc và yêu cầu thu hồi toàn bộ.
Tintin ở Congo xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng 1930-1931 trong cột tranh vui của tờ báo Bỉ Le Vingtième Siècle, là một phần trong loạt truyện tranh The Adventures of Tintin của Hergé, hiện nay mỗi năm vẫn có vài chục ngàn bản được bán ra. Nhưng câu chuyện chuyến đi của chàng phóng viên Tintin với con chó trung thành Milou đến Congo (khi đó là thuộc địa của Bỉ) gây nhiều tranh cãi do những miêu tả mang tính chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, cũng như là bạo lực đối với loài vật.
Hergé, tên thật Georges Remi (1907-1983), đã từng bào chữa rằng quyển truyện chỉ là một sự phản ánh những quan điểm ngây thơ của thời đại. Một số cảnh trong đó được sửa lại trong những lần tái bản sau.
Đây không phải lần đầu mà nội dung quyển truyện tranh này làm người đọc nổi giận. Tháng rồi, tập đoàn bán sách Borders cũng thông báo thu hồi những quyển tái bản của loạt sách thập niên 1950 này ra khỏi các quầy sách thiếu nhi ở Mỹ và Anh, sau khi Ủy ban bình đẳng chủng tộc của Anh mô tả quyển truyện này là chứa đựng những “hình ảnh và lời lẽ có thành kiến chủng tộc ghê gớm”.
Mondondo cho biết vụ kiện này là một phần trong “hoạt động gây rối nhằm đối phó với thái độ khăng khăng của Moulinsart khi không quyết định dứt khoát việc ngừng xuất bản và thương mại hóa truyện tranh Tintin ở Congo”. Theo Mondondo, Moulinsart bị kiện vì vi phạm luật phân biệt chủng tộc của Bỉ. Nhà xuất bản Moulisard cũng thừa nhận trên trang web rằng nhà vẽ tranh minh họa Bỉ Hergé đã thể hiện châu Phi “một cách ngây thơ”, phản ánh tư tưởng gia trưởng của thời đại.
Trên trang web chính thức về Tintin, cũng có những phát biểu ủng hộ vụ kiện. Tuy nhiên sau khi có đơn kiện, doanh số bán ra của quyển truyện lại tăng vọt ở Anh.
Võ HÀ (tổng hợp)