Chắp cánh ước mơ hoa

Chắp cánh ước mơ hoa

Chúng tôi về làng hoa Hà Đông vào một ngày cuối mùa mưa, khi những bụi dã quỳ vàng ven đường đang nở rộ, báo hiệu sự chuyển mùa. Bầu trời cao nguyên dần xanh cao hơn sau những ngày ủ rũ và như đang chuẩn bị chào đón những ngày Festival Hoa Đà Lạt sắp đến - một trong những lễ hội văn hóa đặc sắc có quy mô quốc gia được tổ chức vào cuối tháng 12 dương lịch.

Nhà văn hóa làng hoa mới được xây dựng.

Nhà văn hóa làng hoa mới được xây dựng.

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về làng hoa Hà Đông, Phó chủ tịch UBND phường 8, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Thi vui vẻ giới thiệu: “Mình là rể Hà Đông đây mà”. Phường rất tự hào là địa phương tập trung trồng hoa theo công nghệ nhà kính nhiều nhất, hiện đại nhất của tỉnh Lâm Đồng cũng như cả nước, làng hoa công nghiệp Dalat Hasfarm cũng ở đây và đặc biệt, đây là mảnh đất khai sinh ra làng hoa truyền thống đầu tiên của thành phố hoa, tức làng hoa Hà Đông. Lịch sử đã ghi lại, vào ngày 3-5-1938, chuyến xe lửa xuyên Việt từ Hà Nội đã đưa 33 cư dân Hà Đông vào TP Đà Lạt lập nghiệp, hình thành nên làng rau, hoa tập trung đầu tiên ở phố núi. Họ là những nông dân của vùng trồng hoa nổi tiếng quanh Hà Nội như Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu. Làng hiện có 328 hộ sản xuất rau, hoa, trong đó 95% chuyên canh hoa... Mới đó đã tròn 75 năm và người trồng hoa đã chuyển giao đến thế hệ thứ ba. Một nhà văn hóa làng hoa đã được xây dựng vào năm 2010 nhờ sự hỗ trợ kinh phí của thủ đô Hà Nội và phường đang tu bổ để đón khách tham quan trong dịp festival hoa sắp tới.

Chúng tôi theo chân anh Vũ Nhuần - một trong những nông dân sản xuất giỏi của phường và là người Hà Đông chính gốc, về với làng hoa. Xe chạy bon bon trên con đường nhựa xuyên qua làng, hai bên đường có vô số nhà kính, nhà lưới trồng hoa, nhà ngói xây cất hiện đại mọc lên nhiều hơn so với cách đây 4 - 5 năm, nhiều kiểu biệt thự xinh xắn càng tô điểm thêm cho làng hoa những nét chấm phá đa màu sắc, trong đó có căn biệt thự nhỏ xinh của anh Nhuần. Anh có 2 con, con trai đầu năm nay 27 tuổi, tốt nghiệp đại học và ở nhà làm hoa, đã có nhà cửa bề thế như bố. Và con gái sau của anh Nhuần cũng vậy.

Anh kể: “Mình làm nhà kính trồng hoa từ năm 1992, trước cả Dalat Hasfarm nhờ một giáo sư ở TPHCM và Viện Hạt nhân Đà Lạt cấy mô cây giống”. Anh là một trong những người trồng cúc khá thành công của làng suốt nhiều năm qua. Vườn nhà anh Nhuần có 5 sào, cung ứng ra thị trường 4 giống cúc gồm cúc đơn, tua xanh, ping pong và kim cương, 30% sản lượng đã xuất thường xuyên qua Campuchia và Lào. Tùy theo năm, có năm mưa đá hoặc lũ lụt, doanh thu có giảm nhưng nhìn chung ổn định, sau khi trừ chi phí kiếm được 400 - 500 triệu đồng.

Một năm qua anh đã chuyển sang trồng thêm dâu tây và cà chua thủy canh trong nhà ni lông. Đưa chúng tôi nếm thử trái dâu tây vừa chín, anh cho biết giống dâu tây này từ New Zealand, mua với giá 5.000 đồng/cây giống, trồng thủy canh trên giàn sắt, giá thể gồm xơ dừa, chất hữu cơ, hạt giữ ẩm, sau khoảng 3 tháng bắt đầu cho thu hoạch, giá 150.000 đồng/kg, cao gấp 8 lần dâu tây thường, cho thu nhập cao gấp 2 lần trồng hoa. Còn cà chua là giống cấy mô của Hà Lan, mua cây giống từ vườn cấy mô 15.000 đồng/cây, có giá 40.000 đồng/kg, gấp 7-8 lần cà chua thường, trái chín mọng thành chùm rất đẹp.

Vường lan Anh Quỳnh với giống lan vàng SJC bán ra thị trường trong vụ hoa Tết Giáp Ngọ.

Vường lan Anh Quỳnh với giống lan vàng SJC bán ra thị trường trong vụ hoa Tết Giáp Ngọ.

Một nghệ nhân trong nghề trồng hoa địa lan cắt cành của Đà Lạt cũng gốc Hà Đông là anh Đoàn Văn Quỳnh - chủ vườn lan Anh Quỳnh nằm ở trung tâm của làng hoa. Khởi nghiệp từ cách đây 12 năm, ban đầu anh trồng hồng môn, sau chuyển hẳn sang trồng lan trong nhà lưới. Năm 2006 là năm đỉnh cao khi anh vừa được mùa lại trúng giá với 10.000 chậu cung ứng ra thị trường, chủ yếu là giống lan cam lửa, nở rất đạt, chậu 5 cành là bình thường, chậu nhiều nhất tới 24 cành giá bán 8 triệu đồng/chậu. Năm đó anh thu về hơn 1 tỷ đồng, trả hết nợ nần. Nhưng nghề trồng lan cũng có lúc thăng trầm. Giai đoạn xuống dốc từ năm 2007 - 2012 khi lan mắc bệnh thối rễ không chữa được. Từ kiến thức học được qua sách vở và bạn bè, anh quyết định chuyển sang đầu tư nhà kính, mỗi sào khoảng 200 triệu đồng, đến nay đã đầu tư được gần 4 sào nhà kính. Hiện vườn nhà anh đang có khoảng 15.000 chậu và là một trong vài vườn lan lớn nhất Đà Lạt hiện nay với 15 loại, chủ lực vẫn là các giống xanh Úc, vàng SJC, cam Úc, xanh nữ hoàng, vàng New Zealand và cam lửa. Vườn có hệ thống tưới nhỏ giọt tự động từ trên cao và chúng tôi được xem những chậu lan SJC đang hé nụ màu vàng tươi, bông cao phổ biến từ 60cm trở lên. Mỗi chậu lan được trồng trên một giá sắt và cả vườn lan là một màu xanh mướt được điểm xuyết bằng những cành lan vàng mới ra nụ. Dự kiến tết này vườn nhà anh sẽ cho ra thị trường khoảng 2.000 chậu địa lan, trong đó chủ lực sẽ là giống vàng SJC.

Anh tâm sự: “Đối với cây địa lan, khâu nào cũng quan trọng từ giống, kỹ thuật, thời tiết, sự đam mê, trong đó thời tiết rất quan trọng vì hoa địa lan mẫn cảm với thời tiết và cuối cùng là không thể thiếu yếu tố may mắn”.

Qua câu chuyện với những nghệ nhân hoa giúp chúng tôi hiểu được giá trị của hoa trồng trong nhà kính có ý nghĩa thế nào với nghề trồng hoa nơi đây, như lời anh Nhuần khẳng định: “Đã trồng hoa phải trồng trong nhà kính, vì sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận từ trồng hoa cao gấp 5 lần so với trồng rau…”. Và điều ao ước bây giờ của người Hà Đông chính là làm thế nào để “chắp cánh ước mơ hoa” cho làng hoa Hà Đông nói riêng, vùng hoa Đà Lạt nói chung có thể vươn xa đến các thị trường nước ngoài.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục