Trong mấy ngày qua, mưa lũ liên tiếp tràn về Bắc bộ và Bắc Trung bộ làm nhiều nơi chìm trong nước lũ, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt, nhiều hộ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại. Thật đau lòng khi đã có ít nhất 7 người chết và mất tích. Nhiều hộ dân lại rơi vào cảnh thiếu, đói. Thông tin đó cho thấy một thực trạng: công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại vẫn còn bị động; việc chăm lo cho đời sống của người dân vẫn chưa bền vững, bộc lộ nhiều bất cập. Dự báo trong vài ngày tới tiếp tục xuất hiện một vùng áp thấp nhiệt đới có thể gây mưa lũ lớn hơn ở Bắc bộ, nhiều địa phương lại đang đứng trước nguy cơ bị lũ quét và ngập lụt.
Trước thông tin về những thiệt hại do mưa lũ, chúng ta càng thêm trăn trở khi nhìn lại những bất cập trong công tác quản lý đối với nhiều dự án Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản do chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, huy động từ nguồn vay tín dụng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng cơ cấu vốn, cho nên không có khả năng thanh toán, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân. Cụ thể, số nợ đọng của 35/41 tỉnh, thành phố khoảng 8.600 tỷ đồng, rơi vào những địa phương có nhiều khó khăn.
Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn cả nước, tuy nhiên, có những xã chỉ qua vài ngày mưa lũ đã bộc lộ sự mong manh trong kết quả xây dựng nông thôn mới về chất lượng thi công đường giao thông, cải tạo và xây dựng công trình thủy lợi, thực hiện an sinh xã hội và giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Nhìn toàn cục, có thể ghi nhận qua nhiều năm xây dựng, tu bổ hệ thống đê điều và làm các hồ lớn trữ nước vào mùa lũ, có góp phần giảm được lũ lụt. Song những năm gần đây, rừng bị xâm hại nhiều, dù có cố gắng trồng rừng nhưng lớp phủ không đảm bảo để đưa nước mưa ngấm vào lòng đất, nên làm tăng nguy cơ và tác hại đổ nước lũ về hạ lưu. Trong việc phát triển đường giao thông, có tình trạng xây nền đường cao, cống thoát nước không đủ thoát lũ. Trong khi đó, năng lực dự báo mưa, cảnh báo sớm vẫn còn hạn chế.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định nhiệm vụ ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người gây ra; hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại làm cạn kiệt tài nguyên; chủ động xây dựng, triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai cho từng giai đoạn. Để thực hiện các nhiệm vụ đó, đòi hỏi từng địa phương phải dồn sức nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu.
Trong hoàn cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp, nếu như tính toán đầu tư xây dựng nông thôn không đúng địa chỉ, không đúng trọng điểm, không đúng thời điểm, đều sẽ gây ra lãng phí lớn. Không chỉ lãng phí về tiền bạc, còn có nhiều trường hợp lãng phí cũng gây thiệt hại lớn, như lãng phí trong khai thác tài nguyên, lãng phí sức lao động khi huy động sức dân, lãng phí thời gian, lãng phí nhân lực, lãng phí khi đầu tư sai, và cả lãng phí cơ hội. Do vậy, các ngành chức năng cần có sự điều chỉnh phù hợp về công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; xây dựng các tiêu chí sát hợp điều kiện kinh tế - xã hội và tính chất của từng vùng, miền, địa phương. Để bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong việc huy động các nguồn lực xã hội, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngay từ quá trình lập kế hoạch, dự án các công trình tại các địa phương cũng như nâng cao vai trò giám sát, phản biện của người dân. Xử lý thật nghiêm người đứng đầu các đơn vị, địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích, để xảy ra lãng phí. Đồng thời, phải có giải pháp bền vững hơn trong việc chăm lo đời sống, công ăn việc làm... cho người dân ở những nơi này.
HUỲNH THANH LUÂN