Chất vấn tại Quốc hội - Lo chất lượng môn lịch sử khi tích hợp

Trả lời câu hỏi vì sao có việc đưa môn lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, theo tinh thần tích hợp và do Luật Giáo dục an ninh quốc phòng đã có quy định giảng dạy lịch sử giữ nước nên dự thảo “dự kiến đưa vào môn này để tránh trùng lắp”.
Chất vấn tại Quốc hội - Lo chất lượng môn lịch sử khi tích hợp

Trả lời câu hỏi vì sao có việc đưa môn lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, theo tinh thần tích hợp và do Luật Giáo dục an ninh quốc phòng đã có quy định giảng dạy lịch sử giữ nước nên dự thảo “dự kiến đưa vào môn này để tránh trùng lắp”.

Ngoài các nội dung lịch sử được giảng dạy trong môn giáo dục “Công dân với Tổ quốc” thì các môn học khác dự kiến có giảng dạy lịch sử để hỗ trợ như: văn học, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật cũng gắn kết với lịch sử...

Tích hợp nhưng không làm nhẹ môn lịch sử?

ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu chính kiến, nhất là tính đúng đắn, ưu việt của việc tích hợp môn học lịch sử khiến dư luận xã hội dậy sóng thời gian qua. Trả lời câu hỏi này vào chiều 16-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, môn lịch sử không bị coi nhẹ mà còn được coi trọng hơn hiện hành. Theo ban soạn thảo báo cáo và bộ đã kiểm định, hiện bậc THPT đang học môn lịch sử 1,5 tiết/tuần, còn trong dự thảo các cháu không học chuyên xã hội là 2,5 tiết/tuần. Riêng các cháu vào phân ban khoa học xã hội thì sẽ học 4 tiết/tuần và các tiết này đều bắt buộc. Như vậy, nội dung và khối lượng kiến thức tăng lên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc: “Do buổi sáng bộ trưởng không có mặt nên không nghe được câu hỏi của ĐBQH là theo quan điểm của bộ trưởng thì có bỏ môn lịch sử với tư cách đang là môn học độc lập hay không?”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân trần, hiện ban soạn thảo đang lắng nghe ý kiến toàn dân. Trên cơ sở đó sẽ thảo luận, tiếp thu và làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương; Hội đồng Giáo dục quốc gia; Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng... Quan điểm là việc tích hợp nếu “làm nhẹ, không tăng thì không tích hợp” còn “tích hợp mà vẫn đảm bảo thì sẽ tích hợp”.

 

ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (trái) và ĐBQH Lê Văn Lai tham gia chất vấn

Không hoàn toàn đồng tình, phát biểu mang tính chất trao đổi lại, ĐB Lê Văn Lai cho rằng, bộ trưởng nói việc tích hợp này không làm giảm nhẹ môn học khi thời lượng môn học tăng nhưng thời lượng chỉ là khía cạnh. Yếu tố còn quan trọng hơn là ai, thầy giáo nào dạy khi dạy tích hợp và sự chuẩn bị của bộ. “Chưa nhìn thấy sự chuẩn bị nên người dân, nhà khoa học thiếu niềm tin. Khi môn lịch sử dạy độc lập, chuyên ngành mà còn gặp nhiều hạn chế, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thì liệu tích hợp có đảm bảo việc đào tạo. Tôi cho là khó vì việc này chưa có tiền lệ” - ĐB Lê Văn Lai nói.

Hàng giả, hàng nhái: bắt nhiều, xử lý nhiều nhưng vẫn phức tạp

Trả lời câu hỏi của các ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) xung quanh vấn nạn hàng giả, hàng nhái, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, đây là vấn đề gây bức xúc trên góc độ cá nhân và ngành. Bởi lẽ số vụ, giá trị hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị bắt giữ, xử lý năm sau vẫn tăng so với năm trước. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xin “nhận khuyết điểm trước Quốc hội” và cho rằng bên cạnh nguyên nhân khách quan là độ mở của nền kinh tế lớn khiến hàng giả, hàng nhái có đất phát triển. Trong thực thi, do Việt Nam có đường biên giới đất liền dài hàng ngàn kilômét nên tình hình diễn biến phức tạp. Cùng với đó là một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý ưa thích hàng ngoại dù kém chất lượng nên góp phần hàng giả, hàng nhái phát triển. Ngoài ra còn có nguyên nhân là việc chế tài chưa đủ sức răn đe.

Giải pháp cho thực trạng này, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đó là cần phải nâng cao trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường. Trong đó, bộ đang nghiên cứu nâng cấp Cục Quản lý thị trường lên cấp tổng cục và theo mô hình ngành dọc, sẽ trình Quốc hội nhiệm kỳ sau xem xét. Tiếp đến là tăng cường tuyên truyền pháp luật để cho người dân, xã hội hiểu rõ hơn và tham gia cùng các lực lượng chức năng chống hàng giả, hàng nhái...

Liên quan đến vấn đề thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu vấn đề: “Tôi đã gửi câu hỏi và bộ trưởng đã có văn bản trả lời, nhưng tôi thấy chưa thỏa đáng. Tôi đang cầm trên tay kiến nghị của 40 doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV không đồng tình với quy định tại Thông tư 21 của Bộ NN-PTNT quy định chỉ được đăng ký một hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BVTV, nên không có lý do để bộ trưởng nói “đa số doanh nghiệp đã đồng ý”. Cũng theo ĐB Nguyễn Văn Tuyết, một hoạt chất có thể tồn tại trong nhiều loại thuốc khác nhau và như vậy mới đảm bảo tính cạnh tranh. Phản hồi lại, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết: “Trước Thông tư 21, trên thị trường đã có hơn 4.000 loại thuốc với hơn 1.700 hoạt chất, như thế là quá nhiều. Điều đó đã dẫn đến tình trạng loạn tên thuốc, khiến bà con bối rối, khó lựa chọn, sử dụng; ngay cả cán bộ chuyên ngành cũng khó nhớ. Trước khi ban hành Thông tư 21, chúng tôi đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, biên bản các cuộc họp đều còn cả. Con số 40 doanh nghiệp cũng chưa phải là đa số”.

Chưa hài lòng, ĐB Nguyễn Văn Tuyết tiếp tục chất vấn: “Bộ trưởng chưa trả lời câu hỏi của tôi về việc có bao nhiêu nước trên thế giới có quy định tương tự Thông tư 21. Mặt khác, bộ trưởng nói quy định theo hướng này đã thực hiện ổn định 25 năm nay, nhưng thực ra là mới “siết” lại. Tại sao khi bàn về phân bón thì bộ trưởng nói rất khó quy định, vì phải dùng những loại khác nhau cho từng giai đoạn khác nhau, cây trồng khác nhau… mà nay thuốc BVTV thì lại khống chế?”.

Tuy “khất” đại biểu về con số cụ thể các nước có quy định tương tự, song Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, hơn 4.000 loại thuốc BVTV với 1.700 hoạt chất là đủ để đảm bảo khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo bộ trưởng, “thả” quá ra không giúp ích nhiều cho cạnh tranh doanh nghiệp, mà lại khiến người nông dân bị loạn thông tin, sử dụng sản phẩm không hiệu quả. “Xin Quốc hội cho được thực hiện theo tinh thần siết lại trật tự trên thị trường thuốc BVTV”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Làm rõ các vụ án  có dấu hiệu oan sai

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) về vụ án ở thị xã Đồng Xoài bị kéo dài 10 năm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng: Vụ án được khởi tố tháng 7-2009, xét xử tháng 7-2011, đến tháng 10-2013 đã đình chỉ vụ án và không xem xét nữa. Sở dĩ vụ án kéo dài cho đến nay là do việc xem xét và trả lời đơn thư cũng như ý kiến phản ánh của đại biểu Quốc hội. 

 Đối với trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong vụ án này, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết: Tháng 12-2014, đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội tiến hành giám sát và đến tháng 6-2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết 96 về giám sát oan sai. Sau khi có nghị quyết, Quốc hội giao cho các cơ quan tư pháp xem xét lại một số vụ án, trong đó có vụ án ở Đồng Xoài. Viện Kiểm sát đã tổ chức đoàn công tác liên ngành vào Đồng Xoài kiểm tra, xem xét, đánh giá và kết quả không như mong đợi của anh Quỳnh và chị Vân là vụ án oan sai.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm: Vụ án này trong kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ nói có dấu hiệu oan, chứ không phải oan.

Đối với vụ án Trần Thị Hải Yến ở Phú Yên, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết: Chị Yến bị bắt giam về tội cố ý gây thương tích, do đã đánh nhau với hàng xóm. Tòa án sơ thẩm của Phú Yên đã xét xử và tuyên chị Yến có tội. Nhưng do có kháng cáo kêu oan, nên Tòa phúc thẩm của Phú Yên tuyên hủy án để điều tra lại và làm rõ thêm một số nội dung. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị mở phiên tòa phúc thẩm, chị Yến đã chết trong quá trình giam giữ tại trại. Nguyên nhân bị chết theo cơ quan giám định pháp y là do tự sát. Không đồng tình với kết quả này, gia đình chị Yến đã làm đơn kiến nghị xem xét lại nguyên nhân dẫn đến cái chết của Yến ở trong trại tạm giam. Trước vấn đề này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã cử đoàn công tác vào họp liên ngành với các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Yên, trong đó có sự tham gia của tòa án và lãnh đạo Bộ Công an. Sau phiên họp, đoàn liên ngành đã kết luận sẽ xem xét lại vụ việc. Mặt khác, thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước, giao Bộ Công an tiến hành điều tra lại cả hai nội dung: khởi tố vụ án đúng hay không và nguyên nhân chết của Hải Yến. Việc này, Bộ Công an đang tiến hành và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang theo dõi sát vụ án. Kết quả vụ án đang chờ kết luận của Cơ quan điều tra Bộ Công an.


NGỌC QUANG - BẢO VÂN


Ý kiến ĐBQH phản hồi sau chất vấn

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM): Đừng bảo thủ thì ít có sai sót trong quá trình đổi mới giáo dục

Cảm nhận của tôi là trong nhiệm kỳ này, nhiều vấn đề cử tri và ĐBQH phản ánh hoặc chuyển tải đến Chính phủ đã được Chính phủ và Quốc hội tiếp thu, điều chỉnh. Như về chính sách thu phí đường bộ đối với xe mô tô, Chính phủ đã tiếp thu tốt. Hoặc việc sửa Luật Xử phạt vi phạm hành chính đối với việc thu gom, điều trị cho người cai nghiện, TPHCM đề nghị và đã được Chính phủ, Quốc hội đã tiếp thu, sửa đổi rất kịp thời. Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội cũng vậy. Sự tiếp thu, điều chỉnh đó cho thấy tinh thần lắng nghe, cầu thị, khi nhận thấy không phù hợp thì sẵn sàng sửa đổi.

Nhưng tất nhiên cũng còn những vấn đề ĐBQH chưa hài lòng. Một số vấn đề được đề nghị qua nhiều kỳ họp vẫn chưa chuyển biến như mong muốn. Trong lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn, nhiều vấn đề như đời sống nông dân, tái cơ cấu nông nghiệp… đã được nêu từ đầu nhiệm kỳ đến giờ; tuy cũng có chuyển biến, nhưng chuyển biến chưa căn bản, chưa được như mong muốn của ĐB và người dân. Bên cạnh đó là lĩnh vực giáo dục; tôi cho là cần có sự lắng nghe, cân nhắc hơn nữa, vì giáo dục tác động đến xã hội rất lớn, không chỉ mọi người, mọi nhà mà còn là sự phát triển của con người, của các thế hệ tương lai. Chúng ta cần phải cân nhắc, thận trọng đối với bất cứ một chính sách gì trong lĩnh vực này. Phải lắng nghe xã hội một cách thật chân thành. Chúng ta có nhiều nhà giáo dục có kinh nghiệm, tôi tin là nếu lắng nghe, đừng bảo thủ thì chúng ta sẽ ít có sai sót trong quá trình đổi mới giáo dục.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai): Bộ trưởng trả lời thế tôi không biết trả lời như thế nào với cử tri!

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn về diện tích trồng rừng (để thay thế diện tích rừng bị mất do làm dự án thủy điện - PV), tôi thấy xác định chưa rõ. Số liệu hai bộ khác nhau thế thì thực ra tổng diện tích phải trồng thay thế là bao nhiêu? Khả năng bố trí trồng rừng thay thế hoặc thu tiền để thay thế diện tích rừng bị mất là bao nhiêu? Trách nhiệm của Bộ NN-PTNT đến đâu, Bộ Công thương đến đâu, giải pháp tiếp theo ra sao? Tôi cho rằng, đến giờ vấn đề này chưa thực hiện đầy đủ nghị quyết của Quốc hội là phải giải quyết dứt điểm trong năm 2015. Tôi rất mong hai bộ trưởng báo cáo rõ trước Quốc hội, để Quốc hội bổ sung vào nghị quyết về giải pháp, thời gian hoàn thành. Cứ để lửng lơ như thế chắc cử tri chưa hài lòng. Hai vị Bộ trưởng trả lời như thế tôi không biết phải trả lời như thế nào với cử tri!


ANH PHƯƠNG ghi

Chất vấn tại Quốc hội - Lo chất lượng môn lịch sử khi tích hợp ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục