Ngày 2-6, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 tại Singapore đã nhấn mạnh về hợp tác quốc phòng để đối phó với những thách thức chung, coi đây là một trong những biện pháp nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực.
Khu vực chưa ổn định
Trong bài phát biểu với tựa đề Hợp tác quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương, phối hợp hành động hiệu quả vì hòa bình, ổn định và phát triển năng động của khu vực, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ hợp tác, phát triển của châu Á - Thái Bình Dương. Đây là khu vực có những thay đổi lớn lao, từng có thời đối đầu, chia rẽ nhưng nay đã chuyển hướng mạnh sang hợp tác, phát triển năng động bậc nhất thế giới. Với vị thế chiến lược và tiềm năng to lớn ấy, cùng với hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo, châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước vận hội lớn để đóng góp có tính chất quyết định vào sự phát triển của thế giới trong thế kỷ 21.
Tuy nhiên, Việt Nam chia sẻ sự quan ngại về tình hình khu vực chưa ổn định một cách đầy đủ và bền vững. Sự tăng cường hiện diện quân sự và tranh giành ảnh hưởng giữa các quốc gia có thể đưa khu vực đến những hệ lụy mới mà chạy đua vũ trang là một ví dụ. Mặt khác, quy mô và tính chất phức tạp của các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng tăng. Vì vậy, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đối phó với những thách thức chung đang trở nên cần thiết hơn lúc nào hết.
Phải thực tâm hợp tác
Để thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong khu vực, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị các nước tham gia các cơ chế, cam kết những nội dung hợp tác, bước đầu đã tạo được lòng tin, song cách tốt nhất để xây dựng và duy trì vẫn là hành động. Các nước hãy bắt đầu hợp tác từng mặt, rồi từ kết quả hợp tác lại củng cố lòng tin để đi đến hợp tác sâu rộng, trên nhiều lĩnh vực hơn. Muốn vậy, phải thực tâm hợp tác, đặc biệt là các cường quốc, phải thể hiện rõ quyết tâm, có đầu tư thích đáng, thực hiện cam kết đi đôi với hành động, lấy hành động trên thực tế để chứng minh cho trách nhiệm của mình. Trong quá trình hợp tác, cần lắng nghe dư luận, quyết định trên cơ sở luật pháp quốc tế, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên, thể hiện sự bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau, cũng như tôn trọng lợi ích chung của khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã đánh giá cao các mô hình hợp tác quốc phòng của Đông Nam Á trong nhưng năm qua như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+)… Các cơ chế này đã giúp tăng cường hợp tác quốc phòng trong khu vực. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh tiếp tục đề nghị các nước cần tăng cường hợp tác về hoạt động của hải quân, cảnh sát biển, biên phòng; thiết lập đường dây nóng giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN có thể xem xét ký cam kết không sử dụng vũ lực trước để tăng cường tin cậy trong ASEAN, từ đó rút kinh nghiệm mở rộng với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, Việt Nam không khỏi lo ngại trước những thách thức đang diễn ra ngày càng phức tạp trong khu vực. Đứng trước nhiều thách thức chung đó, cần có sự nhận thức đầy đủ và hành động thống nhất của tất cả các nước. Với nhận thức như vậy, Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhiều cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh khu vực. Cùng với đó, Việt Nam còn chủ động đề xuất các giải pháp trong giải quyết tranh chấp, cam kết thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), ủng hộ việc sớm có Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc; đồng thời luôn sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên có liên quan để tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề Biển Đông trên cơ sở Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
ĐỖ CAO (tổng hợp)
| |
| |