Châu Âu “tấn công” Google

Sử dụng thông tin cá nhân để trục lợi
Châu Âu “tấn công” Google

Ngày 2-4, 6 nước châu Âu là Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh cùng điều tra xem có hay không việc Google vi phạm luật bảo mật thông tin cá nhân của mỗi nước. Điều tra được tiến hành sau khi Google không có bất cứ sự điều chỉnh về chính sách riêng tư theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hồi tháng 10-2012.

Sử dụng thông tin cá nhân để trục lợi

Giám đốc bảo mật thông tin Google Alma Whitten.

Giám đốc bảo mật thông tin Google Alma Whitten.

Google đưa ra chính sách bảo mật mới hồi tháng 3-2012, cho phép hãng liên kết các dữ liệu của người sử dụng, một dạng thu thập thông tin cá nhân qua các dịch vụ của công ty như YouTube, Gmail, mạng xã hội Google+…

Theo cơ quan bảo vệ dữ liệu Pháp (CNIL), đây là mối đe dọa lớn cho quyền bảo đảm bí mật thông tin của mỗi cá nhân. Mặc dù công ty của Mỹ một mực khẳng định đây là điều cần thiết mang đến sự rõ ràng cho người sử dụng cũng như cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, CNIL cho rằng thông tin của khách hàng đang bị Google trục lợi, trong đó có việc tạo ra một hồ sơ đa dạng của người dùng và cung cấp cho các công ty quảng cáo nhắm vào một số khách hàng mục tiêu nhất định dựa trên sở thích và lịch sử tìm kiếm của họ. Đây là cách mà Google đã hái ra tiền trong những năm qua.

Chủ tịch CNIL Isabelle Falque-Pierrotin cho biết, các nước sẽ điều tra theo hướng Google vi phạm luật về đảm bảo quyền riêng tư của mỗi quốc gia.

Nếu như bị kết luận vi phạm bảo mật thông tin cá nhân, Google sẽ phải nộp phạt 756.400 USD ở Anh; 385.000 USD ở Pháp. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của EU đang tranh luận về một bản dự thảo luật về bảo vệ dữ liệu châu Âu, theo đó người vi phạm sẽ phải nộp khoản tiền trị giá 2% doanh thu toàn cầu của họ. Có thể khoản tiền nộp phạt sẽ chẳng thấm tháp gì so với doanh thu của Google (năm 2012 là 50 tỷ USD), nhưng theo AFP, các vụ điều tra sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cũng như chiến lược phát triển của công ty.

Việc 6 nước châu Âu cùng điều tra Google đúng vào thời điểm giám đốc hàng đầu về chính sách bảo mật thông tin của Google, bà Alma Whitten, tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 6 tới. Tuyên bố của bà Whitten diễn ra sau khi Google dính hàng loạt vụ xì căng đan liên quan đến bảo mật thông tin kể từ thời điểm bà Whitten nhậm chức năm 2010. Ngay trong năm đó, Street View của Google bị phản ứng gay gắt sau khi dịch vụ này bị chứng minh xâm phạm thông tin cá nhân khi thu thập thông tin cá nhân qua wi-fi. Cơn ác mộng Street View đã khiến Google phải nộp phạt 7 triệu USD.

Cuối năm 2010, một sự cố cũng liên quan đến bảo mật thông tin khác cũng khiến công ty của Mỹ này mất thêm 8,5 triệu USD. Mạng xã hội “chết yểu” Buzz của Google bị khiếu nại khi cho phép công khai danh sách các liên lạc thường xuyên của người dùng Gmail. Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) cho rằng Goolge đã vi phạm chính sách bảo mật, vì đã sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng vào dịch vụ khác mà không báo trước.

Một chiếc xe sử dụng cho dịch vụ Street View của Gooogle.

Một chiếc xe sử dụng cho dịch vụ Street View của Gooogle.

Độc quyền

Cao ủy tư pháp EU, bà Viviane Reding, đã hoan nghênh động thái của 6 quốc gia trên. Theo quan điểm của bà Reding, thị trường châu Âu rộng lớn với 500 triệu dân có thể sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho các loại tội phạm nếu việc bảo mật không được tiến hành cẩn thận, đồng bộ. Chính sách bảo mật và điều khoản dịch vụ mới của hãng Google không đáp ứng đủ những chỉ dẫn về bảo vệ dữ liệu của châu Âu được xây dựng từ năm 1995. EU đã từng đặc biệt nhấn mạnh đến 2 điểm trong chính sách của Google, đó là: sự thiếu minh bạch trong việc nói rõ phương thức thu thập thông tin và sự thay đổi chính sách rất ít cho dù Google đã cam kết sẽ thực hiện.

Ngoài những vụ kiện liên quan đến vấn đề về bảo mật thông tin, Google cũng phải đối mặt với các cuộc điều tra về chống độc quyền cả ở trong và ngoài nước. Các đối thủ của Google đã kiện công ty này về việc xếp hạng các trang web của họ ở vị trí rất thấp trong kết quả tìm kiếm nhằm tách người dùng khỏi các dịch vụ đó để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm cung cấp dịch vụ tương tự của Google. Người dùng máy tính thường chỉ rất quan tâm và nhấn vào các link đầu tiên trong bất cứ lượt tìm kiếm nào. Việc bị xếp hạng thấp thường ép các công ty phải mua thêm quảng cáo của Google để đảm bảo sự hiện diện của mình trên trang kết quả.

Trước những khiếu kiện trên, năm 2011, FTC đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Google. Sau hơn 1 năm điều tra, 4/5 ủy viên FTC đã đạt được sự đồng thuận về quan điểm Google chèn ép các đối thủ một cách trái phép. Chỉ còn một ủy viên còn lưỡng lự với quyết định của mình. FTC hy vọng sẽ sớm có án phạt dành cho Google. Năm 2012, hãng tìm kiếm thông tin của Mỹ cũng đã phải đề xuất với FTC một khoản tiền phạt trị giá 22,5 triệu USD để dàn xếp vụ kiện, cáo buộc Google theo dõi hàng triệu người sử dụng trình duyệt Safari trên các thiết bị của Apple. Vụ việc làm tăng thêm những nghi ngờ về độ tin cậy của Google khi công ty này đang phải đối mặt với những cáo buộc về việc có lạm dụng tầm ảnh hưởng của mình trên internet để bóp nghẹt sức cạnh tranh hay không.

Trước đó, châu Âu cũng từng tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google với những lý do tương tự, làm giảm khả năng hiển thị các trang web và các dịch vụ cạnh tranh.

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục