
Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), mỗi ngày có khoảng 25.000 người chết vì nạn đói hoành hành tại lục địa đen. Chính vì vậy, những nguồn viện trợ lương thực chính cho châu lục này, trong đó có phần quan trọng của Mỹ, luôn được quan tâm. Tuy nhiên, với chính sách bảo hộ nông nghiệp, chương trình hỗ trợ lương thực của Mỹ lại đem đến kết quả không như châu Phi và thế giới mong đợi.
“Viện trợ” lợi đơn, lợi kép

Cuộc sống của nhiều người dân châu Phi phụ thuộc vào nguồn lương thực viện trợ
Hàng năm, Mỹ đóng góp khoảng 2 tỷ USD viện trợ cho châu Phi. Trong giai đoạn nội chiến tại Somalia 1992-1993, chương trình hỗ trợ lương thực của Mỹ đã cung cấp 70% lương thực. Thập niên 1980-1990, Mozambique đối mặt với những khó khăn về kinh tế và chính trị kéo dài nên 1/3 tổng lượng lương thực tiêu thụ phải dựa vào nguồn viện trợ. Từ năm 2000, khoảng 1/2 tổng lượng lương thực của Eritrea cũng phải dựa vào nguồn viện trợ...
Nhưng thực chất viện trợ lương thực của Mỹ không phải “cho không” các quốc gia châu Phi. Với chính sách trợ giá nông nghiệp, Mỹ mua hàng chục triệu USD ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp dư thừa của nông dân trong nước, sau đó bán lại số lương thực này cho các quốc gia châu Phi thông qua các tổ chức từ thiện như World Vision, Feed the Children, Africare... Nông dân Mỹ rất vui vẻ vì nhờ chính sách của chính phủ, hàng năm khoảng 32 triệu tấn lương thực của họ được bán sang châu Phi. Cả các quỹ từ thiện cũng hưởng lợi khoảng 180 triệu USD/năm.
Nên chuyển sang hỗ trợ bằng tiền
Ở lục địa đen, hơn 34 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói, từ Ethiopia và Eritrea ở Đông châu Phi đến Zimbabwe, Zambia, Malawi, Lesotho, Mozambique và Swaziland ở Nam châu Phi, rồi Burkina Faso, Mali, Mauritania và Niger ở Tây châu Phi... Trong khi Mỹ được cho là “lợi đơn, lợi kép” từ chương trình hỗ trợ lương thực cho châu Phi thì nông dân lục địa đen đang đứng trước nguy cơ bị suy giảm khả năng sản xuất lương thực, làm những quốc gia nghèo khổ nhất thế giới này phải phụ thuộc vào nguồn thực phẩm được trợ giá để chống nạn đói.
Chính vì vậy, Care, một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, đã tuyên bố tẩy chay việc Chính phủ Mỹ bán lương thực cho lục địa đen và cho rằng, Mỹ nên viện trợ tiền cho châu Phi để họ tự mua lương thực tại bản địa thì hợp lý hơn. Không chỉ Care, một tổ chức từ thiện của Mỹ cũng cho rằng Mỹ “đang gây ra đói” chứ không phải “giảm đói”, bởi thay vì phân phát thực phẩm đến người dân, Mỹ lại mang đi bán.
ANH VĂN (theo Independent, Amber Waves, Food First)