Châu Phi thiếu điện

Châu Phi thiếu điện

Đối với 25 trong số 44 quốc gia thuộc khu vực Hạ Sahara châu Phi, cúp điện là... chuyện thường ngày. Nhưng năm nay, các chuyên gia đã phải nói đến một cuộc “khủng hoảng” thật sự vì thiếu điện.

Vấn nạn được báo trước

Châu Phi thiếu điện ảnh 1

Thiếu điện bơm nước khiến nông dân Kenya phải vất vả đào kênh tưới tiêu

Việc thiếu điện có nhiều nguyên nhân: Vài chính phủ cho tư hữu hóa ngành điện từ đầu những năm 1990 khi kinh tế thị trường phát triển, khiến không rõ ai chịu trách nhiệm cao nhất trong việc cung cấp điện. Hoặc do bùng nổ dân số, thiếu tầm nhìn trong các kế hoạch, giá dầu cao, hạn hán...

Nam Phi vẫn thường bán lượng điện thừa sang các nước láng giềng, nhưng từ đầu năm 2007 cũng phải chịu nạn cắt giảm nguồn điện sinh hoạt. Vấn đề là công ty điện lực nhà nước Eskom – lớn hàng thứ tư thế giới – đã không xây thêm đủ nhà máy điện, dù đã được một báo cáo từ năm 1998 khuyến cáo khả năng thiếu điện trong năm 2007. Ngoài Nam Phi có nền kinh tế mạnh và mức tiêu thụ điện cao, 700 triệu cư dân còn lại trong khu vực sử dụng lượng điện còn ít hơn cả 38 triệu công dân Ba Lan. Hiện ở Nigeria (đông dân nhất châu Phi) chỉ có 19/79 nhà máy điện hoạt động. Sản lượng điện mỗi ngày sụt giảm 60% và chuyện cúp điện thường xuyên khiến nền kinh tế thiệt hại 1 tỷ USD/năm.

Thiếu điện còn do phải cung cấp nhiều điện cho các ngành công nghiệp như nấu nhôm, khai thác mỏ. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khu vực Hạ Sahara trông cậy quá nhiều vào các nhà máy điện không được bảo trì tốt nên xuống cấp nặng, dẫn đến hiệu suất thấp. Quản lý kém chỉ là một vấn đề. Thêm chiến tranh tàn phá các nhà máy điện, làm trì trệ các kế hoạch phát triển thủy điện...

Giải pháp tình thế

Tại Kenya, Tanzania, Uganda và một phần Tây Phi, hạn hán làm các dòng sông cạn kiệt, khiến sản lượng các nhà máy thủy điện bị giảm. Uganda một thời là nước xuất khẩu điện lớn, nay cũng phải chịu tình trạng cúp điện gần như cả ngày ở vài khu vực thủ đô Kampala, trong khi đã phải thuê 2 nhà máy điện 50MW vào thời điểm giá dầu cao kỷ lục. Với số tiền phải trả cho giải pháp tình thế này, Uganda có thể xây được 2 đập thủy điện, nhưng lại vướng chuyện cung cấp nước. Sản lượng thủy điện thấp ở Uganda và các nước láng giềng còn do hạn hán khiến mực nước hồ Victoria (hồ thiên nhiên lớn nhất châu Phi) hạ thấp. Hạn hán ở Ghana còn gây ra cúp điện ở Togo và Benin, 2 quốc gia mua điện của Ghana.

Vài nước như Ghana đã nỗ lực giải quyết khủng hoảng điện, bằng cách thuê nhiều máy phát điện, sản xuất nguồn điện khẩn cấp với giá cao ngất trong khi chờ xây thêm nhà máy điện. Tại Nigeria, Angola... hầu hết doanh nghiệp tư nhân và người dân đều trang bị máy phát điện riêng để đáp ứng nhu cầu, khiến vật giá leo thang cùng với ô nhiễm môi trường càng tăng. Tại Zambia, nhiều nông dân ở gần thủ đô Lusaka phải thức trắng đêm để tưới ruộng, do ban ngày điện hay bị cúp đột xuất. 

Việc thiếu điện đã kìm hãm đà phát triển của khu vực, làm giảm khoảng 2% tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm, một mức nghiêm trọng, theo đánh giá của WB. Giải pháp chung là các nước hợp tác xây thêm vài nhà máy điện lớn trong khu vực, để cung cấp điện với giá rẻ hơn, nhiều điện hơn thay vì xây hàng chục nhà máy điện nhỏ. Tài trợ của WB cho các dự án điện ở Hạ Sahara đã tăng từ 250 triệu USD hồi 5 năm trước lên 1 tỷ USD năm 2007. Zambia dự tính đầu tư 1,2 tỷ USD, Nam Phi chi 20 tỷ USD, Congo lên kế hoạch xây đập thủy điện, Namibia tính lập một trang trại điện gió ở phía Nam...  

Anh Thao (theo NYT)

Tin cùng chuyên mục