Một lần nữa, người yêu quý di sản lại giật mình trước cái tin đền thờ Trung túc vương Lê Lai ở khu di tích quốc gia Lam Kinh, Thanh Hóa bị thiêu rụi. Hình ảnh của khu đền trước đây vốn khang trang bề thế, với hậu cung, tiền đường ba gian kiểu tám mái chồng diêm, bảy kẻ có trạm trổ hoa văn giờ đây hoang tàn đổ nát. Không xót xa sao được khi di sản của cha ông sau bao năm gìn giữ, vun đắp, giờ đây bỗng chốc trở thành tro bụi.
Cách đây không lâu, cả hệ thống bảo tàng đã rúng động khi ngôi nhà Lang cổ hơn 100 tuổi còn nguyên vẹn độc nhất của người Mường cũng bị thiêu rụi. Bảo tàng Mường bảo tồn ngôi nhà này như một hiện vật văn hóa giá trị nhất, chứa đựng bên trong nó gần 200 hiện vật tái hiện nguyên bản đời sống sinh hoạt của nhà Lang: bộ cồng chiêng, bộ sưu tập súng săn, bộ đồ đồng sinh hoạt, nồi các cỡ, đèn đồng, các loại đồ gốm bát, đĩa, bình, đồ gia dụng mây tre đan, rương, chăn, gối… được Bảo tàng Mường tìm kiếm và sưu tập trong thời gian gần 15 năm, đã bị thiêu hủy toàn bộ. Nguyên nhân vụ cháy chỉ vì du khách bất chấp các cảnh báo, tự ý đốt lửa để nướng và ngọn lửa đã bùng lên, gây ra tai họa.
Rồi trước đó là vụ chánh điện Mahatup, thường gọi là chùa Dơi ở Sóc Trăng, một trong những ngôi chùa Khmer cổ với lịch sử gần 400 năm cũng hóa tro bụi cùng toàn bộ nội thất và di sản quý giá trong chùa gồm hàng chục tượng Phật, 60 cây đèn cầy (nến) lớn, các bức màn vải hoa văn trang trí, các cửa gỗ, cột, kèo và toàn bộ mái trên của chánh điện khi “thần lửa” ghé qua… Và còn rất nhiều những vụ cháy trong di tích, đền, chùa gây thiệt hại nặng nề khác có thể kể đến như cháy chùa Tảo Sách, Hà Nội, cháy chùa cổ Hội Sơn 300 năm tuổi ở TP Hội An, Quảng Nam…
Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) thì năm nào cục cũng có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bảo tàng, di tích, khu vực có di sản làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy. Song trên thực tế chẳng mấy di tích có được các biện pháp, phương án cũng như công cụ phòng cháy chữa cháy hữu hiệu. Đối với các di tích nằm trong khu vực đông dân cư thì ngay cả các lối ra vào (do người dân lấn) cũng chỉ còn nhỏ xíu chứ chưa nói gì đến các lối thoát nạn theo tiêu chuẩn.
Với một số di tích quan trọng người ta cũng ghi nhận là được trang bị hệ thống bình bọt chữa cháy, nhưng không phải những người trông nom di tích nào cũng biết sử dụng khi có sự cố. Phần khác, do kiến thức cũng như khả năng tự xử lý tình huống trước khi có sự trợ giúp của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp còn nhiều hạn chế cộng với thái độ chủ quan khi đốt nến, thắp nhang đã khiến hậu quả của các vụ cháy ở di tích càng thêm nặng nề hơn.
Nếu như ở vụ cháy nhà Lang, công an đã nhanh chóng tìm ra người gây ra hỏa hoạn và khởi tố vụ án thì phần lớn các sự việc còn lại mặc dù xác định được nguyên nhân gây cháy nhưng không có cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm mà thường giải quyết theo kiểu “hòa cả làng”.
Ngay lúc này đây, các đơn vị chức năng cần phải xốc lại công tác phòng cháy chữa cháy tại các di tích để không còn cảnh chỉ vài phút bất cẩn mà những di sản vô giá của cha ông bỗng chốc trở thành tro bụi.
MAI AN