“Chảy máu” tài nguyên vì xin - cho

(SGGP).- Ngày 17-5, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, Bộ Tài Nguyên - Môi trường, Bộ Công thương... đã tổ chức hội thảo bàn tròn với chủ đề “tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam”.

Thông tin do Thanh tra Chính phủ đưa ra cho thấy, qua thanh tra những năm gần đây đã phát hiện nhiều dạng sai phạm và sơ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý và khai thác khoáng sản tại Việt Nam. Tính đến tháng 4-2011, cả nước có hơn 121 giấy phép thăm dò; 3.882 giấy phép khai thác do UBND tỉnh thành phố cấp còn hiệu lực và đang thực hiện. Đáng chú ý, số giấy phép khai thác do Bộ TN-MT cấp từ năm 2003 đến tháng 6-2009 đang hoạt động chỉ là 82 giấy phép thăm dò và 218 giấy phép khai thác khoáng sản. Còn lại là giấy phép do các tỉnh thành cấp.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản ở các địa phương những năm gần đây có rất nhiều sai phạm. Những sai phạm trong lĩnh vực này bắt nguồn từ những sơ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý và khai thác khoáng sản. Thực tế, tại nhiều địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản có nội dung trái với Luật Khoáng sản như “tất cả các trường hợp xin cấp phép hoạt động khoáng sản phải có ý kiến đồng ý của UBND tỉnh thì Sở TN-MT mới được tiếp nhận hồ sơ”. Trình tự thủ tục cấp phép này là trái với quy định, đã tạo cơ chế độc quyền xin - cho, gây phiền hà doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến dạng vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất đai, biên giới mỏ. Đây là sai phạm chiếm tỷ lệ cao, có địa phương trên 60% số mỏ được cấp phép chưa hoàn thành thủ tục thuê đất nhưng vẫn khai thác khoáng sản (Nghệ An có 127/205 mỏ dạng này). Một số tỉnh chiếm dụng đất rừng cho khai thác khoáng sản. Hầu hết các ý kiến tại buổi đối thoại đều nêu rõ, việc phân cấp cho các địa phương được cấp phép khai thác khoáng sản là quy định quá thoáng, lại thiếu công tác thanh tra, kiểm tra đã khiến việc cấp phép khai khoáng nở rộ, có nhiều sai phạm, làm thất thoát tài nguyên đất nước, tác động xấu đến môi trường. Đó cũng là cơ sở để nạn tham nhũng trong lĩnh vực này xảy ra.

Theo bà Vũ Thu Hạnh (ĐH Luật Hà Nội), việc không tiến hành đấu giá quyền khai khoáng, thay vào đó là cơ chế xin - cho đã tạo cơ hội cho những tiêu cực, sai phạm trong lĩnh vực này, là căn nguyên dẫn đến chảy máu tài nguyên đất nước.

Trước tình hình này, nhiều giải pháp đã được khuyến nghị, trong đó có việc thực hiện đúng quy định của Luật Khoáng sản 2010 với điểm đột phá là chấm dứt tình trạng xin - cho trong hoạt động khoáng sản, thông qua hình thức đấu giá khoáng sản. Theo bà Vũ Thu Hạnh, việc đấu giá sẽ giúp Nhà nước lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật để khai thác an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần tăng cường tính minh bạch, công khai trong quản lý khai thác khoáng sản để ngăn chặn các hành vi tham nhũng. “Việc xử lý các vi phạm phải thực sự mạnh tay nhằm răn đe những tổ chức, cá nhân sai phạm”, ông Phạm Quang Tú, Viện Tư vấn phát triển nói.

Ph.Thảo

Tin cùng chuyên mục