Mấy ngày qua, cháy lớn, cháy nhỏ liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi. Tại TPHCM có ngày xảy ra 2 vụ cháy. Chỉ cần một tàn thuốc lá, một cây nhang, đốt cỏ không cẩn trọng hay dây điện cũ kỹ, quá tải cũng có thể làm bùng phát một đám cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Mùa nắng nóng năm nay được ngành khí tượng - thủy văn dự báo vẫn rất khắc nghiệt, khó lường và có thể kéo dài. Cách đây không lâu, TPHCM tổng kết 6 năm thực hiện Chỉ thị 09/CT-TU của Thành ủy TPHCM về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TPHCM, trong đó nêu lên con số mà ai nghe cũng phải giật mình: Toàn TP chỉ có 5 phường, 53 khu phố thực sự đạt độ an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) - một tỷ lệ rất nhỏ so với quy mô TPHCM. Với thời tiết khắc nghiệt càng tạo thêm mối âu lo nguy cơ cháy nổ xảy ra bất cứ lúc nào.
Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy”, từ đầu mùa khô năm 2015, các địa phương, đơn vị phòng cháy chữa cháy TPHCM đã chủ động đề ra nhiều phương án, giải pháp phòng ngừa nguy cơ cháy nổ, như Định kỳ diễn tập phòng cháy, tư vấn cho người dân cách sử dụng các phương tiện chữa cháy, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp cách phòng ngừa và cách dập lửa khi có cháy, tăng cường kiểm tra và xử nghiêm các lỗi vi phạm về an toàn PCCC… Tuy nhiên, những vụ cháy xảy ra trên địa bàn thời gian qua thiêu rụi nhiều tài sản, gây tử vong cho thấy công tác xử lý cháy nổ còn nhiều bất cập. Mới đây, một đám cháy ở địa phương khác làm chúng ta phải suy ngẫm, đó là vụ hỏa hoạn chỉ cách trụ sở Cảnh sát PCCC thành phố Hải Phòng chưa đầy 500m, nhưng xe chữa cháy đến chậm khiến ngọn lửa cháy lan gây thiệt hại lớn. Người dân cho biết, đã điện thoại cho số khẩn cấp 114 để báo cháy mà chẳng thấy ai nhấc máy!
Ở không ít đơn vị, người đứng đầu cơ sở chưa thật sự quan tâm, nỗ lực trong công tác chỉ đạo PCCC; còn chủ quan, chưa thường xuyên tự kiểm tra việc chấp hành các quy định về PCCC cho nhân viên thực tập chữa cháy các tình huống tại cơ sở. Nhiều nơi chưa đầu tư đúng mức các phương tiện chữa cháy tại chỗ và thiếu kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ thiết bị chữa cháy. Đáng chú ý là nhiều vụ cháy xảy ra ban ngày, dù được phát hiện sớm nhưng lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động kém hiệu quả, còn khá lúng túng ngăn đám cháy lan, nhất là ở những nơi chật hẹp, nhiều hộ liền kề, xa nguồn nước…
Thực tế này đặt ra yêu cầu lực lượng PCCC tại chỗ phải được củng cố cả về số lượng lẫn kỹ năng nghiệp vụ. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, lực lượng này ở nhiều nơi chưa được huấn luyện thuần thục, các thao tác sử dụng dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ lúng túng do chưa diễn tập chữa cháy thường xuyên; phương tiện chữa cháy được trang bị không đồng bộ, hoặc được trang bị đầy đủ nhưng không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng nên khi có sự cố xảy ra không sử dụng được… Để phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ), chính quyền địa phương cùng các đơn vị PCCC cần tập trung kiểm tra, thường xuyên nhắc nhở các cơ quan, xí nghiệp và các hộ dân cẩn thận trong PCCC, nhất là trong việc sử dụng điện. Theo thống kê, ở TPHCM có tới 60% vụ cháy do thiếu hiểu biết của đơn vị và người dân trong việc sử dụng điện. Điển hình là vụ cháy 8 căn nhà trước Tết Nguyên đán 2015 ở quận 3 xuất phát từ tấm biển quảng cáo bằng điện của quán karaoke. Nguy cơ cháy còn rình rập ở các chung cư, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, trạm bán xăng, nhà hàng, khu vui chơi. Đáng chú ý ở các khu dân cư hiện nay tình trạng lấn chiếm hành lang lưới điện khá phổ biến, hệ thống điện câu mắc chằng chịt, mất an toàn.
Do vậy, bên cạnh nêu cao ý thức người dân cần áp dụng các hình thức chế tài, xử phạt đối với những cơ sở, cá nhân gây ra cháy cũng như không chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy. Tích cực và chủ động “phòng”, đừng để đến khi xảy ra cháy rồi mới lo “chống” thì sẽ giảm thiểu hậu quả khôn lường.
TUẤN SƠN