
Kết quả điều tra của Cục An ninh điều tra cho thấy, có 45 doanh nghiệp vay nhượng, mua bán 2,23 triệu tá hạn ngạch, sản phẩm các loại, tổng số tiền dùng trong giao dịch mua bán lên đến gần 2 triệu USD vào thời điểm Thủ tướng Chính phủ cấm việc buôn bán hạn ngạch. Các doanh nghiệp “chạy” quota bằng cách nào, cán bộ nhận hối lộ ra sao và nhiều người “mượn gió bẻ măng” để trục lợi ra sao?... Những nội dung này đang được TAND TPHCM làm rõ.
- Không quyền thì... mượn gió bẻ măng!

Lai Wai Hung (bìa phải) tại tòa. Ảnh: H.N.
Kể từ khi nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (TM) Mai Văn Dâu ký 3 quyết định có nội dung trái với chỉ đạo của Thủ tướng, cho phép các doanh nghiệp mua bán hạn ngạch (quota) dệt may đã dẫn đến việc “chạy” quota diễn ra rầm rộ, trong đó, điều kiện tiên quyết là có mối quan hệ với các quan chức.
Do được Nguyễn Thị Kim Oanh giới thiệu, Bùi Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Tomotake Hà Nội được ông Lai Wai Hung (Phó Tổng GĐ Công ty Sundance) và ông Tsang Tak Lung (Tổng GĐ Công ty Leader One VN) ký hợp đồng ủy quyền làm đại diện xin xét hạn ngạch.
Theo thỏa thuận, khi xin được hạn ngạch, Tuấn sẽ được hưởng 3USD/tá (12 cái). Số tiền hai công ty này chuyển cho Tuấn là hơn 230.000USD, tương đương 20% hợp đồng. Thực chất là để “chạy” quota, dù Tuấn cũng không hề quen ông Dâu. Vì thế, Tuấn phải nhờ đến Nguyễn Cương, bấy giờ là Phó Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM và đưa cho Cương 4 lần tiền, tổng cộng 140.000USD. Số tiền này ông Cương khai đến tận nhà riêng của ông Dâu đưa 17.000USD và ông Lê Văn Thắng là 10.000USD. Thậm chí Tuấn và Cương còn dẫn ông Dâu đi mua đất tặng ông nhưng sau đó sự việc không thành.
Mai Thanh Hải, chuyên viên Vụ XNK (con trai Mai Văn Dâu) cũng bị xác định đã nhận 560 triệu đồng của ông Đặng Vũ Quang để “chạy” hạn ngạch cho Công ty Qualitex. Dù nhận số tiền và Hải không hề “động thủ” gì nhưng công ty này vẫn được cấp hạn ngạch do cấp đúng tiêu chuẩn. Vì thế cơ quan công tố truy tố Hải tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và sau đó còn phát hiện cả tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” – vì Hải xài bằng tốt nghiệp đại học giả.
- “Một cửa” tại... nhà riêng!

Nguyễn Cương
Ông Nguyễn Cương khai đã 6 lần đưa đại diện của các công ty TNHH Sundance, Leader One, Đế Vương, Lawn Yard đến nhà riêng của Mai Văn Dâu để xin quota. Trong đó, có 5 lần Mai Văn Dâu đã nhận công văn kèm hồ sơ và trực tiếp xét duyệt, bút phê vào 7 văn bản xin cấp hạn ngạch.
Điều đáng nói, trong hồ sơ của Công ty Đế Vương có nêu về việc “bị đoàn kiểm soát hải quan Hoa Kỳ lập danh sách đen”. Thế nhưng Mai Văn Dâu vẫn bỏ ngoài tai chi tiết nêu trên. Trong đó, việc “chạy” của Công ty Leader One không thành, Tsang đòi tiền nhưng Tuấn và Cương không trả nên đã tố cáo đến Bộ Công an. Hậu quả là các bị cáo đều... hầu tòa.
Tương tự như thế, Trần Kim Dung là giám đốc và Trần Thu Lan, phó giám đốc Công ty May Á Châu (TPHCM) đã nhờ Bùi Thị Huyền Nga “mai mối” đến tận nhà riêng của Lê Văn Thắng để xin quota. Liên tục 17 lần bay ra Hà Nội, tất cả hồ sơ đều được ông Thắng bút phê “kính chuyển...” dù lúc đó Bộ đã ngưng cấp hạn ngạch. Và đương nhiên lần nào cũng có phong bì. Không chỉ xin quota cho mình, bà Dung còn chạy quota cho cả Công ty QMI và còn dư đem bán lại kiếm lời!
- Tội “nhận hối lộ”, thừa nhận mới xử lý!
Theo lời khai, Nguyễn Cương đã đưa cho ông Dâu 6 lần tiền, tổng số 38.000 USD và đưa cho ông Thắng nhiều phong bì. Nhưng ông Dâu chỉ khai nhận có 4 lần, với 6.000 USD, còn Thắng thì phủ nhận hoàn toàn. Sau đó ông Dâu còn xin thay đổi lời khai với nội dung không hề nhận tiền của Nguyễn Cương nhưng cơ quan điều tra không chấp nhận. Và cuối cùng, cơ quan điều tra chỉ truy tố ông Dâu trên cơ sở số tiền nhận hối lộ khiêm tốn là... 6.000USD.
Trường hợp của bị can Lê Văn Thắng (nguyên Vụ phó Vụ XNK) cũng vậy. Theo lời khai của Nguyễn Cương, Trần Thu Lan, Trần Kim Dung và Võ Thị Thanh Hằng thì 3 người này đưa cho Thắng tổng cộng trên 61.000 USD để được cấp hạn ngạch. Tuy nhiên, Thắng chỉ thừa nhận có 18.000 USD. Do không có cơ sở chứng minh những lời khai trên nên cơ quan điều tra chỉ truy cứu Lê Văn Thắng nhận hối lộ... 18.000 USD. Ngoài ra, Trần Thu Lan còn khai đưa tiền cho Nguyễn Việt Phú (chuyên viên Vụ XKN), nhưng Phú phủ nhận nên cơ quan điều tra không có cơ sở để xác định đương sự này nhận tiền.
Dư luận đặt ra, vì sao trong vụ án này, cơ quan điều tra chấp nhận bị cáo khai bao nhiêu truy cứu bấy nhiêu. Liệu điều đó có bỏ lọt hoặc xử nhẹ tội phạm?!.
HÀN NI
Sáng nay, tại phiên tòa Nguyễn Cương phản cung Sáng nay, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Cương, nguyên Phó Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM. Vẫn như lời khai hôm qua, Nguyễn Cương chỉ nhận đưa hối lộ cho Mai Văn Dâu tổng cộng 4 lần với số tiền chỉ 6.000USD, đúng số tiền mà ông Dâu bị VKS truy tố. Khác với cáo trạng, nhiều lần Nguyễn Cương khai với cơ quan điều tra là đã hối lộ cho ông Dâu 36.000USD và biếu cho Mai Thanh Hải (con trai ông Dâu) 2.000USD để… lấy thiện cảm. Cũng tại cơ quan điều tra, Nguyễn Cương còn khai nhận đã hối lộ cho Lê Văn Thắng (Vụ phó Vụ XNK) 30.000USD nhưng hôm nay tại phiên tòa, Cương chối toàn bộ. “Trong bản khai do tự bị cáo viết có ghi đã chi cho ông Dâu và Thắng 66.000USD và phần kết, bị cáo còn ghi “trước đây do nhận thức không đầy đủ, sợ khai nhiều thì tội nặng, nay đã nhận thức đầy đủ nên tôi khai thành khẩn để nhận khoan hồng”, vậy tại sao nay bị cáo lại chối?”- HĐXX hỏi. Ông Cương: “Do sức khỏe yếu, do sợ ô danh truyền thống gia đình, ăn chặn, ăn bớt… nên trước đây khai sai, nay xin khai lại”. Khi bị hỏi vậy 140.000 USD nhận từ tay Tuấn mà không chi cho các quan chức để chạy hạn ngạch như lời hứa thì có nghĩa là bị cáo lừa đảo? Ông Cương trả lời “Do trong còn thời gian giải quyết”. |