Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm từng bước nâng cao đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội. Bên cạnh những địa phương làm tốt việc này, vẫn còn một số nơi ở tỉnh Bạc Liêu còn chạy theo thành tích, làm cho có nên XĐGN chưa đi vào thực chất.
“Nghèo rớt mồng tơi”
Thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) là địa phương được đánh giá tiêu biểu trong công tác XĐGN của huyện. Theo báo cáo, năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn Ngan Dừa là 14,55%, và đến nay chỉ còn 5,05%. Tuy nhiên, khi đi tìm lời giải cho những con số được “tô hồng” này cũng như những giải pháp thoát nghèo được địa phương đánh giá là “cách làm hay”, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng…
Đơn cử trường hợp gia đình ông Danh Ty, 49 tuổi, ở ấp Bà Gồng. Xuất thân từ gia đình nghèo, nên lúc lập gia đình riêng đến nay, ông Ty không có miếng đất cắm dùi, cuộc sống hàng ngày chỉ biết dựa vào nghề làm thuê, làm mướn.
Ông Ty có 5 người con, vợ ông lại bị bệnh, mọi gánh nặng gia đình đều dồn hết cho ông. Sống bằng cái nghề ai kêu gì làm đó, việc làm lại bữa có bữa không, nên mấy người con trong gia đình phải thay nhau nghỉ học để đi làm thuê. Người thì phụ hồ, người thì chăn vịt mướn… Ông cũng đã tính đến chuyện cho hai con nhỏ nghỉ học (đứa học lớp 1 và đứa học lớp 4), vì “cái bụng còn đói thì học sao nổi”.
Đã nghèo sẵn lại cộng thêm tiền thuốc thang và ma chay cho người vợ vừa mới mất đã khiến ông nợ nần chồng chất. Hiện cha con ông Ty đang ở trong căn nhà dột nát, không biết còn trú được qua mùa mưa này hay không? Ông Ty bùi ngùi nói: “Mình nghèo, con cái mình cũng giống như mình. Còn tiền nợ nần, sau này tụi nó phải gánh thay cho mình, không biết cái nghèo này bao giờ mới hết?”.
Cảnh ngộ như gia đình ông Ty ở thị trấn này còn nhiều lắm, cần phải làm gì để giúp họ thoát nghèo và giảm được gánh nặng trong cuộc sống? Điều đó vẫn chưa được địa phương bàn đến nơi đến chốn, hoặc nếu có thì cũng chỉ chấp nhận họ như một phần còn lại của công tác XĐGN.
Chưa hết nghèo cũng phải thoát nghèo (!?)
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, đến cuối năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng ĐBSCL (theo chuẩn mới) giảm 1,77% so với năm 2008. Hiện toàn vùng còn 9,43% hộ nghèo. Tuy nhiên, con số hộ cận nghèo còn cao hơn nhiều và đây mới thật sự là nguy cơ nếu chẳng may gặp phải thiên tai, dịch bệnh... |
Một thực tế đáng buồn kéo dài trong thời gian qua ở lĩnh vực XĐGN là chạy theo thành tích. Căn bệnh này đã làm giảm sút hiệu quả của công tác XĐGN, dẫn đến hàng loạt mâu thuẫn nảy sinh, đẩy người nghèo vào cảnh khốn cùng. Biểu hiện cụ thể nhất là việc một số địa phương “bắt” các hộ còn nghèo phải thoát nghèo, hoặc biết là hộ nghèo nhưng cũng không chịu công nhận hộ nghèo.
Cụ thể như trường hợp của gia đình bà Cao Phấn, ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long. Dù gia đình bà Phấn còn nghèo, nhưng địa phương đã rút sổ hộ nghèo. Bà Phấn bộc bạch: “Gia đình tôi bị rút sổ hộ nghèo từ năm 2004 nên cuộc sống khó khăn lắm. Muốn vay vốn hay hưởng các chính sách dành cho hộ nghèo đều không được. Nhà cửa bây giờ dột nát, phải che bằng cao su, con cái phải nghỉ học. Hàng ngày, tôi phải đẩy xe đi bán rau cải nhưng vẫn không đủ sống, vì tôi phải nuôi chồng bị bệnh và hai đứa con”.
Tương tự, gia đình của ông Mai Văn Diệu, cùng ấp với bà Phấn, lại càng khổ sở hơn. Gia đình ông Diệu được xếp vào diện khó khăn nhất ấp Mỹ I. Trong căn nhà xiêu vẹo, vách che rách nát, trống hoác từ trước ra sau, cả 5 miệng ăn đều sống dựa vào đồng tiền đào đất mướn của ông. Còn vợ ông cũng kiếm được vài ngàn đồng mỗi ngày từ nghề đan lát. Hai con trai lớn của ông Diệu cũng phải bỏ học để theo cha đi đào đất mướn. Đào đất thì lúc có lúc không, nên cái đói luôn là nỗi ám ảnh của gia đình ông. Vậy mà gần 5 - 6 năm nay, hộ ông Diệu vẫn không được địa phương xem xét là hộ nghèo!
Hay trường hợp của bà Bùi Thị Chín, cũng ở ấp Mỹ I, dù gia đình bà thuộc nhóm những hộ nghèo của ấp, nhưng lại không được địa phương xét là hộ nghèo. Khi chúng tôi phản ánh sự việc trên với ông Phạm Văn Cảnh, Trưởng ấp Mỹ I, ông Cảnh cho biết: “Ở ấp này, trường hợp như gia đình bà Phấn, ông Diệu và bà Chín nhiều lắm. Họ chẳng những là hộ nghèo mà phải gọi là quá nghèo mới đúng. Nhưng ngặt nỗi, ở xã đã ra chỉ tiêu xóa nghèo cho ấp như vậy nên mình phải làm theo”.
Theo ông Cảnh, năm 2010, toàn ấp Mỹ I còn 20 hộ nghèo. Xã giao chỉ tiêu cho ấp phải phấn đấu xóa nghèo toàn bộ số hộ trên. Nếu không cũng phải xóa nghèo cho được 14 hộ.
Căn bệnh thành tích XĐGN dường như đã chuyển sang giai đoạn... nặng. Nếu không được điều trị kịp thời thì chắc chắn hàng trăm hộ nghèo khác ở vùng nông thôn lại bị đẩy vào cảnh dở khóc dở cười. Tất cả những bất cập trên cần được những người có trách nhiệm làm rõ. Nếu không, việc hoạch định các chính sách XĐGN cho các giai đoạn tiếp theo sẽ là những con số vô hồn, thậm chí gây lãng phí.
LƯ DŨNG