Gần đây, cơ quan chức năng liên tục đón tiếp lái xe, cán bộ công nhân viên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco - doanh nghiệp nhà nước làm nhiệm vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Hà Nội - đến tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện dấu hiệu một vụ tham ô quy mô lớn.
Giá trợ cước liên tục tăng...
Theo ông Hoàng Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, từ tháng 6-2003, Hà Nội thực hiện trợ giá cho xe buýt theo hình thức bù đắp chênh lệch giữa doanh thu và chi phí hợp lý.
Ngoài ra, ngân sách của Hà Nội còn chi cho Transerco khoản in vé, chi cấp bù hai tháng lương đểTranserco lập hai quỹ phúc lợi, khen thưởng và các khoản chi phí quản lý của Transerco, chi phí bến bãi, vé cầu và chênh lệch do tăng giá xăng dầu.
Theo đó, năm 2002, Hà Nội trợ giá cho doanh nghiệp này gần 54,5 tỷ; năm 2003 gần 72,9 tỷ; năm 2004 gần 86,8 tỷ và năm 2005 trợ giá 124 tỷ đồng.
Trợ cấp liên tục tăng và chi phí của anserco cũng tăng cao. Chi phí năm 2003 ở mức gần 217 tỷ; năm 2005 đã tăng lên 400 tỷ đồng! Ông Hiển thừa nhận, cách thức trợ giá nêu trên có nhược điểm là làm cho doanh nghiệp vận tải không quan tâm đến doanh thu và không phấn đấu giảm chi phí do được Nhà nước bao cấp các khoản chi theo thực tế sử dụng. Thật ra, chính sự bao cấp này đã tạo kẽ hở cho…. tiêu cực.
Cứ 100km, “ăn” 30 lít dầu
Lợi dụng chủ trương nói trên, Transerco đã đưa ra định mức tiêu thụ dầu/100km của xe ô tô với mức khá cao so với thực tế để có tiền chia nhau.
Theo tính toán của 3 lái xe (xin được giấu tên) thuộc Xí nghiệp xe buýt Hà Nội, với định mức ấy, bình quân mỗi xe thừa từ 30% đến 50% định mức tiêu thụ (tùy theo từng loại xe và tuyến đường). Với 800 đầu xe và giá dầu tăng, ước tổng thiệt hại của nhà nước trong 4 năm qua là khoảng 200 tỷ đồng.
Số tiền thu được từ dầu thừa (lãnh đạo Transerco gọi là tiết kiệm) ấy hiện đang ở đâu? Đáng ngạc nhiên là mỗi lãnh đạo Transerco lại trả lời theo những cách khác nhau.
Theo một văn bản phúc đáp của Transerco ngày 26-1 thì “nguồn tiết kiệm nhiên liệu được Tổng công ty quản lý thống nhất và sử dụng để thưởng cho chính lao động trực tiếp là lái xe, bán vé cùng lao động quản lý ở các xí nghiệp xe buýt và hạch toán theo quy định của Nghị định 199/2004”.
Còn Phó Tổng giám đốc Transerco Nguyễn Anh Dũng cho rằng “chúng tôi đưa vào giảm chi phí kinh doanh”. Ông Vũ Hồng Trường - Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư - thì lại nói “việc tiết kiệm được vật tư, nhiên liệu thì Tổng giám đốc được quyền thưởng, mức thưởng một năm không quá số tiền tiết kiệm này”.
Thậm chí, riêng ông Chủ tịch HĐQT Transerco Bùi Xuân Dũng có 3 lần phát ngôn với 3 cơ quan báo chí thì 3 lần nói đều khác nhau: “81% tiền dầu thừa chia cho công nhân”; “Tiền thừa chui vào két”; “70% tiền dầu thừa được chia cho công nhân” (?!).
“Quýt” cầm tiền, “cam” chịu tiếng?
Thế nhưng những người công nhân mà trực tiếp là lái xe nói gì? Ba lái xe như đã dẫn khẳng định: hình thức ăn chia số tiền dầu thừa là 1/3 chi cho lãnh đạo và làm thủ tục hợp lý hóa chứng từ, 2/3 còn lại chi cho lái xe.
Theo lời kể, hàng ngày, khi các lái xe của Đoàn I lấy xăng, dầu tại một công ty TNHH - do vợ của một Phó Tổng giám đốc Transerco làm chủ - thì lái xe phải ký 2 chứng từ, một chứng từ ký nhận khối lượng thực tế, một ký khống để hợp thức hóa.
Số dầu chênh lệch giữa hai bảng kê, sau 5-10 ngày, mỗi tài xế được nhận theo số lượng “tiết kiệm” của mình với đơn giá do lãnh đạo áp đặt. Một người tham gia cấp phát dầu (xin giấu tên) xác nhận có thực tế này.
Như vậy, đã có biểu hiện của hành vi lập khống chứng từ để quyết toán với Nhà nước, rút dầu chia nhau, là dấu hiệu của tội tham ô tài sản nhà nước. Tới đây, cơ quan chức năng của pháp luật sẽ vào cuộc và làm rõ những khoản tiền mờ ám tại đơn vị này.
QUỐC VƯỢNG – TIỂU NGHĨA