Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng - sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2011. Nghị định này quy định rất chi tiết, khi lập hóa đơn phải có chữ ký của người mua hàng; nếu mua bán mà giao nhận nhiều lần thì mỗi lần giao nhận đều phải lập hóa đơn với giá trị tương ứng; dù doanh nghiệp (DN) có lập hóa đơn nhưng không giao cho người mua vẫn bị xử phạt 1 - 5 triệu đồng; không lập hóa đơn khi bán hàng trên 200.000 đồng cho người mua sẽ bị phạt 5 - 20 triệu đồng; các hành vi in hóa đơn giả, đặt in hóa đơn giả đều bị xử lý với mức phạt đến 100 triệu đồng… Tuy nhiên, dù quy định rất chi tiết như thế nhưng so ra mức phạt này vẫn… lạc hậu không thua gì quy định ở Nghị định số 89/2002/CP đã được ban hành cách đây gần chục năm. Hiện nay, các cơ quan chức năng ứng dụng quy định cũ vẫn có thể xử lý hành vi bán hàng không xuất hóa đơn với mức phạt 10 - 12 triệu đồng/lần vi phạm - vốn không đủ sức răn đe các cửa hàng, trung tâm mua sắm có doanh số vài tỷ đồng/ngày.
Quy định mới, nhưng những vướng mắc cũ vẫn chưa được giải quyết. Dù mức phạt có cao, nhưng làm sao phạt được mới là vấn đề, khi Luật Quản lý thuế quy định muốn kiểm tra DN, cơ quan thuế phải báo trước ít nhất 3 ngày - đương nhiên khi biết trước, DN sẽ không vi phạm. Nếu có “canh chừng” thì luật quy định chỉ được xử phạt tội trốn thuế với mức phạt không quá 300% trên số tiền vi phạm bị phát hiện. Trong khi cán bộ thuế lại thiếu, không thể theo đuổi xử lý từng vụ việc.
Về việc ghi hóa đơn, lại không quy định buộc DN phải ghi rõ số se-ri hàng hóa, nhất là đối với hàng điện tử, điện máy nên cơ quan quản lý nhà nước không thể “hậu kiểm” được, lại khó phát hiện, xử lý hàng gian, hàng giả. Chẳng hạn, một DN mỗi ngày bán hàng chục chiếc máy laptop, nhưng chỉ xuất hóa đơn vài cái, nếu người không được xuất hóa đơn cung cấp phiếu mua hàng cho cơ quan thuế thì cũng không xử lý bán hàng không xuất hóa đơn được. DN có thể trưng bằng chứng ngày đó mình có xuất hóa đơn cho vài khách và cuối ngày xuất tổng hợp thêm 2 trường hợp không nhận hóa đơn nhưng vì không ghi số se-ri, mã hàng nên cơ quan thuế không thể xác định được có phải đó được xuất chung trong 2 chiếc máy cuối ngày không. Như vậy, chỉ có thể phạt hành vi “xuất hóa đơn nhưng không giao cho khách hàng” với mức phạt thấp hơn rất nhiều.
Nghị định này có điểm mới là mở rộng cửa cho các DN được quyền tự in hóa đơn và tự chịu trách nhiệm. Nhưng lại “quên” đề cập đến việc xử lý vi phạm khi DN không in hóa đơn, không có cuốn hóa đơn tại điểm bán hàng. Thế là, những mong đợi sẽ xử lý những đơn vị bán hàng không xuất hóa đơn- trốn thuế VAT, trốn thuế thu nhập DN, mấu chốt xử lý vấn đề tuồn hàng lậu vào thị trường có lẽ lại phải chờ vào… thông tư hướng dẫn?!
Chế Hân