Chệch hướng chuyên nghiệp

Cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá cũng dần đến hồi kết sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bên “hãy vì khán giả mà phục vụ”. Tại sao một vụ tranh chấp dân sự lại phải cần đến sự chỉ đạo từ Thủ tướng thì các bên liên quan mới chịu “ngưng chiến”? Câu trả lời thật đơn giản: Vì đấy là bóng đá, môn thể thao số 1 Việt Nam, được người hâm mộ quan tâm bậc nhất.

Chính vì tình yêu bóng đá của người Việt nên các đơn vị tham gia vào cuộc tranh chấp bản quyền mới nỗ lực hết sức để giành phần thắng về mình. Với hàng chục triệu khán giả cả nước, chẳng cần tính cũng biết thị trường truyền hình “béo bở” đến mức nào. Tuy nhiên, cũng chính vì sự tác động quá lớn của bóng đá với xã hội, phục vụ khán giả phải là tiêu chí đặt ra hàng đầu đối với bất kỳ ai muốn nhảy vào kinh doanh trong địa hạt này. Chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy các bên đã (cố tình) đi lệch khỏi tiêu chí ấy.

Thử nghĩ, bất kỳ sản phẩm nào ra đời, nhà sản xuất đều phải tiến hành nhiều công đoạn tiếp cận người tiêu dùng trước khi chính thức bán hàng. Hết cho dùng thử, rồi đến miễn phí một thời gian, rồi đến khi bán cũng phải tiếp tục khuyến mãi.

Ấy vậy mà còn chưa chắc đã được người tiêu dùng chấp nhận. Trong khi đó, “sản phẩm” bóng đá vốn ngày càng sa sút chất lượng, vẫn đang trong tình trạng cải tiến, làm mới… thế mà người ta cứ tranh nhau quyền ghi hình các trận đấu đến mức dùng hàng loạt thủ tục đúng có, sai có để gây khó cho nhau dẫn đến việc số lượng các trận đấu giảm sút trên truyền hình.

Trong cuộc tranh cãi vừa qua, lý lẽ của Công ty VPF là thuyết phục hơn cả bởi họ cho rằng, mình chính là nơi đang cố gắng sản xuất ra sản phẩm bóng đá tốt nên muốn giữ quyền bán hàng để đưa các sản phẩm ấy đến với khán giả – người mua hàng tương lai. Trong khi đó, đơn vị đang được coi là giữ bản quyền, tức là người đang muốn bán hàng, thay vì hợp tác chặt chẽ với “nhà sản xuất” VPF thì lại chỉ muốn làm việc với VFF, nơi đã thất bại trong việc cải tiến “sản phẩm” đến nỗi phải nhượng quyền cho VPF. Dù AVG có lý giải thế nào đi nữa thì với tư cách của “người bán hàng” sẽ là thật lạ khi họ không o bế nhà sản xuất. Điều đó khiến người ta nghi ngờ mục tiêu “phục vụ khán giả” của họ.

Bỏ qua vấn đề tranh chấp nói trên, có thể nói rằng, bóng đá Việt Nam khó lòng phát triển mạnh hơn, thay đổi tốt hơn so với hiện tại nếu quan điểm của những đơn vị đang quản lý, điều hành và khai thác bóng đá nội địa không đặt tiêu chí “vì khán giả” lên hàng đầu. Trên từng sân bóng, các CLB đang bế tắc việc đưa khán giả đến sân khi công cuộc trong sạch hóa vẫn chỉ mới tái khởi động. Những sản phẩm liên quan đến các trận đấu vẫn chỉ nằm trên giấy. Số tiền mà người hâm mộ chi cho các trận đấu khá khiếm tốn.

Trong bối cảnh đó, bóng đá cần được quảng bá nhiều hơn, các nhà tổ chức phải nỗ lực hơn để thuyết phục những “thượng đế” của mình thay vì đi tranh nhau quyền bán hàng trong thời buổi chẳng ai muốn mua.

Mà chẳng phải ở bóng đá. Đa số các môn thể thao khác đang trong tình trạng “thoi thóp” nguồn tài chính chỉ vì thiếu sự quảng bá rộng rãi môn chơi của mình. Cách đây không lâu, các nhà tổ chức một giải bóng bàn quốc tế từng phản ứng với cơ quan truyền thông khi viết bài chê giải của mình mặc dù trên thực tế giải không hề chú trọng khâu tuyên truyền, quảng bá.

Thể thao chuyên nghiệp không thể phát triển nếu thiếu tiền. Nhưng đã là chuyên nghiệp thì muốn kiếm tiền phải biết cách nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm cách đưa nó đến cho khán giả thưởng thức. Chưa thật sự phục vụ khán giả đã nghĩ đến chuyện “bán hàng” cho được giá là đi lệch khỏi con đường thể thao chuyên nghiệp mất rồi.  

VIỆT TÂM

Tin cùng chuyên mục