Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, Việt Nam thu hút thành công rất nhiều DN đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng DN nội vẫn chưa liên kết được với DN FDI. DN nội chỉ mới hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu ở các hoạt động gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp.
Cung ứng sản phẩm có giá trị gia tăng thấp
Chia sẻ thẳng thắn về cơ hội cho các DN Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Charles Kunaka, Chuyên gia trưởng khu vực tư nhân WB, cho biết, cơ hội để các DN trong nước tham gia vào các ngành sản xuất bị thu hẹp vì các DN lớn đầu đàn như Samsung, Toyota, Ford… trong chuỗi giá trị toàn cầu thường sử dụng cùng mạng lưới nhà cung ứng toàn cầu sẵn có. Các công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao như đổi mới sáng tạo, thiết kế, phụ tùng, linh kiện lõi… vẫn được thực hiện bên ngoài Việt Nam do rất ít DN Việt Nam có khả năng đáp ứng yêu cầu này. Và cuối cùng là đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn. Về phía Chính phủ Việt Nam cũng đang tập trung hỗ trợ vào một số ngành chủ đạo như ô tô, điện, điện tử… để tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng những ngành này chiếm về mặt khối lượng nhiều hơn là chất lượng.
Ở góc độ DN, bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, đang có độ vênh rất lớn giữa nội lực DN Việt Nam với DN FDI mà rất khó kéo gần lại được. Trước hết, yếu tố khách quan là khi DN FDI đầu tư, họ luôn có chuỗi cung ứng toàn cầu đi cùng. DN FDI cũng có thiên hướng sử dụng chuỗi cung ứng của chính nước đó. Do vậy, để có thể cạnh tranh được với những DN đã tồn tại lâu năm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, DN Việt Nam bắt buộc phải có nội lực lớn hơn, có chất lượng và số lượng sản phẩm ổn định với giá thành cạnh tranh hơn. Hoặc không thì phải có những sản phẩm sáng tạo hơn. Trong khi đó, về phía DN Việt Nam, nếu so về quy mô sản xuất, trình độ công nghệ, vốn đầu tư, chất lượng sản phẩm, trình độ quản trị… đều yếu và gần như không thể đủ nội lực để bắt kịp tốc độ thay đổi công nghệ của các DN FDI đầu đàn. Thống kê của WB chỉ rõ, hiện chỉ có 9% DN nội đạt tiêu chuẩn quốc tế tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những sản phẩm mà DN nội đang cung ứng sản phẩm trong chuỗi toàn cầu chỉ là sản phẩm giản đơn, giá trị gia tăng không cao. Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty Cao su Thống Nhất cho biết, hiện công ty đang cung cấp sản phẩm phụ trợ ô tô, điện, điện tử, cơ khí, khoáng sản… Để trở thành nhà cung ứng, DN phải có chứng chỉ chất lượng từng loại sản phẩm cung ứng cụ thể. Chứng chỉ trên do tổ chức quốc tế đánh giá độc lập với chi phí đánh giá 15.000 USD/lần và DN phải thực hiện đánh giá lại 3 năm/lần. Ông Hồng nhấn mạnh, sản phẩm của công ty cũng chỉ có thể bán đến nhà cung ứng thứ cấp chứ chưa bán được cho DN sử dụng cuối cùng nên giá trị gia tăng không cao. Đơn cử như công ty sản xuất sản phẩm đế cao su ăngten cho toàn hệ thống xe Innova nhưng phải bán sản phẩm này cho đơn vị cung cấp thứ cấp là công ty sản xuất ăngten.
Phải đổi mới cách hỗ trợ DN
Chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình hỗ trợ năng lực cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, đại diện Tập đoàn Samsung tại Việt Nam cho biết, cốt lõi nhất của DN để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là công nghệ. Về yếu tố này, DN Việt Nam so với DN Hàn Quốc và Trung Quốc rất yếu, cần phải khắc phục nhiều. Trước hết, Chính phủ cần định hướng lộ trình tham gia cho DN, bước đầu có thể lựa chọn minh bạch những DN có tiềm năng phát triển, hỗ trợ liên kết sản xuất DN nước ngoài để học hỏi và chuyển giao công nghệ. Kế đến mới là hỗ trợ vốn để mở rộng quy mô đầu tư, nâng chất hoạt động sản xuất và chất lượng quản trị… Mặc khác, Chính phủ phải xây dựng và nuôi dưỡng đội ngũ sáng tạo, tạo điều kiện để tăng kết nối và chuyển hóa công nghệ từ DN FDI cho DN nội.
Một yếu tố khác, Chính phủ Việt Nam cũng cần phải thay đổi cách thức quản lý và hỗ trợ DN. Bà Asya Akhlaque, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB, nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam không nên có quá nhiều cơ quan chủ quản quản lý và hỗ trợ DN phát triển công nghiệp hỗ trợ như hiện nay, chồng chéo trong quá trình thực hiện nhưng hiệu quả không cao. Cơ quan phụ trách phải có đủ thẩm quyền và năng lực để thực hiện chính sách hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, cần nâng cao kỹ năng lao động, phát triển cơ sở hạ tầng có tính đến yếu tố kết nối với các quốc gia trong cùng chuỗi cung ứng để tăng khả năng kết nối thị trường. Tái cấu trúc lại nền kinh tế thị trường theo hướng công bằng hơn trong hoạt động cạnh tranh. Trong những lĩnh vực nhất định, cần thiết phải có sự can thiệp từ phía chính phủ để có thể đẩy mạnh phát triển ngành.
Sản xuất cao su cung ứng công nghiệp hỗ trợ tại Công ty Cổ phần Cao su Thống Nhất Ảnh: CAO THĂNG
Về phía WB cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược thu hút đầu tư mới để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, thực hiện chương trình kết nối DN FDI - DN Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm của DN nội trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, WB cũng sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thuận lợi hóa logistics và hải quan để đẩy nhanh phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Có thể thấy, Việt Nam đang đón nhận những yếu tố thuận lợi trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, sự bùng nổ chuỗi cung ứng toàn cầu nằm khu vực châu Á và Việt Nam đang là tâm điểm của sự bùng nổ chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Đây cũng là lý do tập đoàn FDI dồn đầu tư Việt Nam. Chiến lược Trung Quốc + 1 cho thấy nhiều DN di chuyển khỏi Trung Quốc và hướng đến đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi khách quan trên, cách mạng KHCN cũng thay đổi nhanh chóng đang tác động mạnh đến thu hút đầu tư của Việt Nam. Nhiều DN có giá thành cung ứng thấp hơn ở Campuchia, Myanmar… đang gia tăng áp lực cạnh tranh DN nội. Do vậy, ngoài những định hướng chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ phải đúng, nhanh thì DN phải chủ động đổi mới, sáng tạo để đón đầu các cơ hội phát triển hiện nay.