Chỉ có 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ?

Chiều 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

(SGGPO).- Chiều 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Dư luận về tiêu cực không được làm rõ, kỷ luật công vụ chưa nghiêm

Báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tại phiên họp nêu rõ, theo số liệu của các cơ quan, đơn vị đã gửi báo cáo (chưa đầy đủ), số lượng cán bộ công chức được tuyển dụng (đến ngày 31-12-2012) là 525.481 người, trong đó số lượng tiến sĩ chiếm 0,4%; thạc sĩ 3,7%; cử nhân chiếm 52,5%.

Đáng lưu ý, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được nâng lên một bước với 24,8% có trình độ đại học trở lên; tỷ lệ được đào tạo về quản lý nhà nước chiếm 66%.

Trong khi đó, đội ngũ viên chức tính đến ngày 31-12-2012 khoảng 1,7 triệu người với 0,7% tiến sĩ; 4,2% thạc sĩ; cử nhân chiếm 43%. Tỷ lệ tuyển dụng tăng dần qua từng năm.

Trong số các nhận định của Đoàn giám sát, bên cạnh những kết quả đạt được, đáng lưu ý là việc phân bố không đồng đều về cơ cấu bậc, ngạch; trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Số lượng cán bộ, công chức ở các địa phương (có điều kiện tương đương nhau về diện tích, dân số) cũng chênh lệch khá lớn. Công tác quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức cũng có những hạn chế nhất định; việc thanh, kiểm tra chưa sâu sát, thường xuyên nên còn có những hiện tượng tiêu cực được dư luận, công luận phản ánh nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho kỷ luật công chức, công vụ chưa nghiêm. 

30% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, có không?

Đây là câu hỏi được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn đặt ra cho Đoàn giám sát và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.

Chủ tịch Quốc hội còn chất vấn: “Tôi thấy dường như quy trình bổ nhiệm cán bộ năm 2013 vẫn chẳng khác gì năm 1993, như vậy 20 năm vẫn giữ một quy trình”?

Trả lời những câu hỏi này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Đoàn giám sát Phan Trung Lý cho biết: “Đi đến đâu Đoàn giám sát cũng yêu cầu cung cấp số liệu đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, nhưng đến nay chưa nhận được báo cáo. Các địa phương đều nói do thiếu tiêu chí cụ thể nên rất khó nói bao nhiêu % bảo đảm được tiêu chuẩn, bao nhiêu không”. Ông Lý cũng thừa nhận, quy trình bổ nhiệm cán bộ “đúng là đã quá lạc hậu”.

Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình giải trình thêm, ngay cả những số liệu nêu trong Báo cáo về trình độ cán bộ, công chức, viên chức cũng là thống kê chưa đầy đủ, chính xác. “Nhận định 1/3 cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ cũng là phát ngôn của một số đồng chí, chứ chưa có đánh giá chính xác. Theo số liệu địa phương gửi lên cho chúng tôi thì số cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1% mà thôi”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình rần tình. Bộ trưởng cho biết thêm, mới đây Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ soạn thảo Chỉ thị về phòng chống tiêu cực trong đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, khen thưởng cán bộ, công chức...

Liên quan đến việc áp dụng quá lâu các quy định đã lạc hậu, ông Nguyễn Thái Bình nói: “Luật cán bộ, công chức đã có hiệu lực từ 1-1-2010, nhưng đây là một luật có phạm vi điều chỉnh rất rộng; nhiều vấn đề lớn, khó và mới nên hệ thống văn bản hướng dẫn cần ban hành rất lớn. Chính phủ đã ban hành tới 17 nghị định, Bộ Nội vụ ban hành 15 thông tư hướng dẫn, nhưng vẫn chưa bao trùm hết”.

Đặc biệt quan tâm đến nhiều vấn đề cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận xét: “Báo cáo giám sát cần chỉ rõ tính chấp hành các quy định về định biên, bổ nhiệm cán bộ. Tôi thấy theo Danh bạ điện thoại công tác thì có bộ có tới 11 thứ trưởng, có tổng cục có đến hàng chục “ông” phó, mà lẽ ra chỉ có 4. Bộ Nội vụ “gác cổng” cho Chính phủ như thế nào?

Trong công tác tuyển dụng, ông Ksor Phước bày tỏ băn khoăn về nguyên tắc bình đẳng giới và lực lượng cán bộ dân tộc thiểu số.  Theo ông, tỷ lệ cán bộ, công chức nữ, cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số còn thấp. Cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số gần như vắng bóng trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng.

Vẫn theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, với quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay thì việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi bổ nhiệm người không đúng quy định, không đạt tiêu chuẩn là rất khó. “Trong khi đó, có người được phong tướng xong chỉ 1 năm đã nghỉ hưu, nhiều người thời gian làm việc còn lại không đủ nhiệm kỳ vẫn được bổ nhiệm, tại sao hoạt động giám sát này không chỉ đích danh? Có làm được như vậy mới thực hiện đầy đủ trách nhiệm giám sát”, ông Ksor Phước phát biểu. Từ quan điểm đó, Đoàn giám sát “gia công thêm bản báo cáo sâu sắc hơn để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đủ cơ sở ban hành một nghị quyết về vấn đề này, giải quyết những bức xúc trong công tác cán bộ”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục