Chỉ có khoảng 20% lực lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc

Sáng 7-8, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.
Chỉ có khoảng 20% lực lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc

(SGGPO).– Sáng 7-8, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, ông Đỗ Văn Sinh, sau 20 năm đổi mới, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đã chứng tỏ tầm quan trọng, có đóng góp rất lớn cho sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Đến hết tháng 6-2015 đã có 11,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 65,2 triệu người tham gia BHYT  chiếm 71,9% dân số; 9,85 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Đến hết năm 2014, kết dư quỹ BHYT là 33.000 tỷ đồng để bổ sung vào quỹ khám, chữa bệnh góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 2015 đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho trên 10,3 triệu lượt người. Chính sách BHXH thực sự là chỗ dựa của người dân khi ốm đau bệnh tật. Nếu tiếp tục điều chỉnh chính sách để lượng người tăng lên thì vẫn bảo đảm quỹ.

Tỷ lệ người tham gia BHYT ở một số địa phương còn thấp. Ảnh Mai Hải

Với quỹ BHXH, cùng với việc cho ngân sách nhà nước và các ngân hàng thương mại vay, nguồn quỹ BHXH còn được đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia. Từ năm 1995 đến nay, quỹ BHXH luôn tồn dư đảm bảo khả năng cân đối quỹ trong dài hạn. Dự kiến đến hết năm 2015 số dư đầu tư quỹ lũy kế đạt 402.500 tỷ đồng. Lãi từ cho vay quỹ BHXH mỗi năm thu được 30.000 tỷ đồng (trong đó chi cho quản lý BHXH mỗi năm khoảng 7.000 tỷ đồng). Tuy vậy, trong dài hạn nếu không có chính sách điều chỉnh thì quỹ này cũng không an toàn vì bình quân tuổi thọ ngày càng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được theo BHXH Việt Nam đối tượng tham gia BHXH còn hẹp, số người tham gia BHXH bắt buộc còn thấp so với số người phải tham gia BHXH theo quy định của pháp luật (hiện mới có khoảng 20% lực lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc). Tại nhiều địa phương, diện bao phủ BHYT còn thấp so với tỷ lệ chung của cả nước. Có những địa phương tỷ lệ người tham gia BHYT mới chỉ đạt trên 55% đến dưới 60% dân số của tỉnh, ảnh hưởng đến chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Có tình trạng lạm dụng quỹ khám chữa bệnh. Đặc biệt, tình trạng trốn, nợ đọng BHXH còn phố biến ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Đến hết năm 2014 số nợ BHXH là hơn 7.278 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm số nợ BHXH, BHYT là hơn 10.837 tỷ đồng...Trong đó có khoảng 750 tỷ đồng nợ đọng BHXH khó đòi, ảnh hưởng đến 30.000 lao động (chủ yếu chủ sử dụng lao động đã bỏ trốn) và đến nay chưa có giải pháp giải quyết.

Từ thực tế hiện nay, BHXH đề xuất trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương. “Đề nghị với MTTQ Việt Nam tổ chức vận động cấp quốc gia “Toàn dân tham gia BHYT” nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, cũng như giám sát chất lượng khám chữa bệnh”, ông Đỗ Văn Sinh đề nghị.

Phát biểu tại buổi làm việc Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những đóng góp nỗ lực của BHXH Viêt Nam trong việc phát triển BHXH, BHYT, quản lý, đầu tư quỹ chặt chẽ qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo bình yên cho đất nước cũng như tạo nền tảng để Việt Nam có một hệ thống bảo hiểm lành mạnh ngang bằng với các nước trong khu vực.

Về nhiệm vụ phối hợp trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị BHXH Việt Nam cùng MTTQ Việt Nam có chương trình phối hợp tuyên truyền phổ biến luật pháp về BHXH, BHYT nhằm huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị để tuyên truyền cho người dân thấy được lợi ích khi tham gia BHXH cũng như đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu bảo BHYT toàn dân.

Về việc giám sát trong chất lượng khám chữa bệnh công lập, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa qua MTTQ Việt Nam cùng các đoàn thể và cơ quan liên quan đã tiến hành ký kết triển khai việc giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân. Sau việc giám sát sẽ rút kinh nghiệm để từ đó xem xét mở rộng phạm vi giám sát sang các các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Về đề nghị MTTQ tổ chức vận động cấp quốc gia “Toàn dân tham gia BHYT”, đồng chí cho rằng đây là việc làm cần thiết, MTTQ sẽ bàn bạc để trình Chính phủ về nội dung này trong thời gian tới.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục