Cuối tuần qua, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã phát đi thông báo việc kiểm tra chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp tại 7 doanh nghiệp bán hàng đa cấp vẫn chưa kết thúc nội dung kiểm tra tại bất kỳ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, biên bản kiểm tra được lập và kết thúc vào chiều tối 26-3 cho thấy, từ ngày 24 đến 26-3, tại trụ sở của Thiên Ngọc Minh Uy ở Hà Nội, đoàn kiểm tra đã có bản đánh giá khá toàn diện. Theo đó, tổng doanh thu của Thiên Ngọc Minh Uy trong hai năm 2014-2015 gần 3.600 tỷ đồng (năm 2015 gần 2.500 tỷ đồng). Tổng số tiền thu từ người tham gia năm 2014-2015 là trên 3.100 tỷ đồng. Công ty này cũng đã thực hiện nộp các loại thuế hơn 418 tỷ đồng (gồm cả khoản khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người tham gia). Trong quá trình kinh doanh, một số đại lý có vi phạm quy định, công ty đã chấm dứt hợp đồng. Một số người tham gia có yêu cầu trả hàng đã được công ty trả lại tiền như trong tháng 1 và 2-2016 với số lượng 5.336 đơn hàng.
Khẳng định “công ty đã thực hiện quy định của pháp luật về kinh doanh đa cấp”, song biên bản cũng chỉ ra một số điểm Thiên Ngọc Minh Uy cần khắc phục. Đó là, phải thông báo kịp thời tới các Sở Công thương khi có thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; thực hiện đào tạo cơ bản cho toàn bộ người tham gia chương trình đào tạo cơ bản đã đăng ký và cấp thẻ thành viên cho người tham gia; ghi nhận đầy đủ thông tin người tham gia trong hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
Nhưng, có vẻ việc kiểm tra trên giấy tờ, sổ sách chưa thể hiện được sự phức tạp cũng như biến tướng của loại hình kinh doanh này mà Thiên Ngọc Minh Uy là cái tên được nhắc nhiều trên báo chí suốt thời gian qua. Chẳng hạn như tại Vĩnh Long, Ban Chỉ đạo 389 địa phương này đã xử phạt công ty này 180 triệu đồng các sai phạm như: sản phẩm kê khai không trung thực khi đưa ra thị trường; nhãn hàng ghi không đầy đủ; khuyến mại không khai báo… Còn 6 đại lý ký gửi hàng hóa của Thiên Ngọc Minh Uy cũng bị xử phạt 140 triệu đồng và đình chỉ 12 tháng vì sử dụng người hành nghề khám, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề; không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh. Hay như tại Đà Nẵng, năm 2015 và quý 1-2016, trong số 10/11 cơ sở kinh doanh đa cấp bị xử phạt, Thiên Ngọc Minh Uy có 8 đại lý bị xử phạt với tổng mức xử phạt là 36,5 triệu đồng với các vi phạm về nhãn hàng hóa, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Chưa kể, theo phản ánh, tại nhiều nơi Thiên Ngọc Minh Uy vươn tới, hoạt động của công ty này có nhiều điều đáng bàn, đó là: sản phẩm chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ; in tờ rơi chương trình huấn luyện nhưng chưa được cho phép phát hành...
Bản thân hoạt động kinh doanh đa cấp không phải là xấu và được nhiều nước trên thế giới thừa nhận. Nhưng khi vào đến Việt Nam hoạt động kinh doanh này biến tướng, hủy hoại, tàn phá về kinh tế những người tham gia. Quy định về kinh doanh đa cấp đã có nhưng đó chỉ là trên giấy tờ, còn giám sát hoạt động thực tế ra sao lại không hề dễ. Người bán hàng đa cấp đi khắp nơi chào hàng, có thể bán hàng trực tiếp, giao dịch có thể diễn ra ở nhà riêng nên không dễ kiểm soát. Còn việc thanh tra, kiểm tra nếu chỉ dừng lại ở kiểm tra hành chính sẽ khó xử lý tận gốc vi phạm. Các lỗi vi phạm về phương thức bán hàng bị cấm sẽ khó nhận biết nếu không có đơn thư tố cáo. Do vậy, việc kiểm soát loại hình này rất cần sự vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm minh, thậm chí rút giấy phép với các loại vi phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó là tuyên truyền rộng rãi để người dân tham gia giám sát, tránh tình trạng biến tướng, thiệt hại cho người dân và khi đó mới vào cuộc.
HÀ MY