Với người lính biển luôn sẵn sàng gác lại tình cảm riêng tư và lợi ích cá nhân để băng mình ra biển lớn góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong trái tim của họ có một tình yêu biển đảo bao la, bởi với họ không tình yêu nào lớn bằng tình yêu Tổ quốc…
Thượng úy Trần Như Hùng (Chính trị viên điểm đảo Tốc Tan, là một trong nơi xa nhất của quần đảo Trường Sa) nghe tin cha bị tai biến nặng, nhưng anh không thể về thăm được vì đang bận làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo. Anh Trần Như Hùng tâm sự: “Những người lính đảo luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc lên trên hết nên đành phải gác lại việc riêng vì tin rằng ở đất liền còn có người thân và cả một hậu phương vững chắc gánh vác giùm…”. Với ý chí và niềm tin ấy nên anh luôn vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió.
Nhìn những chiến sĩ hải quân và cảnh sát biển (CSB) hiên ngang giữa biển khơi, ít ai nghĩ rằng phía sau họ mỗi người một hoàn cảnh riêng tư khắc nghiệt không kém gì những cơn sóng dữ. Anh Phạm Khả Đăng, Thuyền phó tàu CSB 4033 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 có cha bị tai biến nặng phải nằm một chỗ suốt mấy năm qua, mẹ thì bị ung thư giai đoạn cuối. Nhìn cha mẹ đau đớn mà lòng anh quặn thắt, nhưng khi nghe Tổ quốc gọi tên mình, anh sẵn sàng gác lại tình riêng để lên đường làm nhiệm vụ. Cũng may cha mẹ anh luôn ủng hộ tinh thần yêu nước của con nên đã động viên con lên đường hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cùng đơn vị với anh Phạm Khả Đăng còn có anh Nguyễn Văn Huy, Chính trị viên tàu CSB 2016 cũng có hoàn cảnh khắc nghiệt khi vợ mắc bệnh hiểm nghèo, anh lại phải lên đường làm nhiệm vụ. Ngày anh trở về đơn vị, anh chỉ biết nén lòng gửi lại vợ yêu cho cha mẹ và người thân chăm sóc. Hỏi vì sao không nán lại thêm chút thời gian nữa, anh Nguyễn Văn Huy khẳng khái: “Khi biển Đông dậy sóng, một người lính biển như tôi không thể nào ngồi yên để lo việc riêng được...”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi, động viên bộ đội Hải quân.
Tương tự, anh Lê Trung Thành, Thuyền trưởng tàu CSB 4033 có mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, phải đưa vào Bệnh viện Ung bướu TPHCM chữa trị, nhưng anh vẫn luôn có mặt trên biển để cùng đồng đội ngăn chặn Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta. Những ngày gian nan trên biển chống chọi với tàu Trung Quốc, anh bảo chuyện đó không có gì đáng sợ mà chỉ lo tình cảm riêng tư làm ảnh hưởng tinh thần, nhưng rất may lúc đó tình yêu biển cả đã giúp anh vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau khi giàn khoan của Trung Quốc rút đi, anh Lê Trung Thành được bình chọn là gương mặt trẻ của Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Lực, tàu CSB 4032 có con trai đầu lòng là niềm hạnh phúc lớn nhất của gia đình, nhưng nghiệt ngã thay cháu vừa chào đời đã bị tật nguyền, sức khỏe ốm yếu, phải nằm ở Bệnh viện Nhi Đà Nẵng điều trị lâu dài, nhưng anh vẫn gác lại tình riêng để lao ra biển bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Anh Nguyễn Văn Lực bảo: “Ai mà chẳng có việc riêng, nhưng nếu cứ vì tình riêng thì ai sẽ bảo vệ lợi ích chung của Tổ quốc”. Dường như người lính biển nào cũng có suy nghĩ cao đẹp như anh nên khi Tổ quốc cần các anh sẵn sàng gác lại việc riêng để lên đường làm nhiệm vụ với một tinh thần đầy nghĩa lớn. Anh Lê Tuấn Anh, Thuyền trưởng tàu CSB 2013 cũng vậy, dù người vợ bị mắc căn bệnh lạ đến nỗi nếu không có người chăm sóc thì có thể tử vong bất cứ lúc nào. Thế nhưng, anh vẫn đành gác lại và nhờ người thân chăm sóc để lên đường làm nhiệm vụ.
Thiếu tá Lê Trọng Phổ, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 tâm đắc: “Lính biển là thế đó, lúc nào nhiệm vụ bảo vệ biển đảo cũng được đặt lên trên hết!”. Đáng nhớ nhất là hoàn cảnh của Đại úy Nguyễn Văn Dũng, Vùng CSB 2, cứ mỗi lần chuẩn bị đám cưới là mỗi lần anh phải ra biển làm nhiệm vụ, cứ như vậy anh phải hoãn đám cưới đến lần thứ 3. May mà người yêu chia sẻ nên mọi chuyện êm đẹp, cho đến cuối năm 2014 anh chị đã có một đám cưới đẹp như mơ. Sau đám cưới, anh lại ra biển, người vợ trẻ dặn anh hãy yên tâm công tác, còn chị nguyện chung thủy chờ anh về. Vui nhất là Trung úy Lê Văn Kim, làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Trường Sa Đông khoe rằng anh là người hạnh phúc nhất khi sau lần về phép anh đã có đứa con trai kháu khỉnh để bồng bế.
Đại tá Đậu Khải Hoàn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tâm sự: “Cuộc đời người lính biển quanh năm lênh đênh trên biển, đóng quân từ đảo này sang đảo khác cho đến trọn cuộc đời, nhưng lúc nào người lính biển cũng thấy trái tim mình luôn dâng trào một tình yêu biển đảo mãnh liệt. Nhờ tình yêu ấy mà người lính biển vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…”.
MINH NGỌC