
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt vụ cháy nổ liên quan đến việc sử dụng bình gas xảy ra trên cả nước cho thấy những “quả bom nổ chậm” vẫn đang hiện diện trong gian bếp của rất nhiều gia đình…
- Lại nổ... gas

Hiện trường vụ nổ gas do sang chiết lậu trong khu dân cư huyện Dĩ An (Bình Dương).Ảnh: M.Đ.
Lật lại hồ sơ một số vụ cháy nổ gas gần đây cho thấy mức độ thiệt hại về người và của do “bom” gas gây ra là rất lớn. Điển hình như ngày 5-11-2007, tại khu vực cảng cá Sao Mai - Bến Đình thuộc thị xã Bà Rịa (Vũng Tàu), trong lúc đang nấu ăn trên tàu đánh cá TG 2014, bình gas đã phát nổ, làm 4 thuyền viên chết và bị thương. Mười một ngày sau (16-11-2007), tại Công ty TNHH Vĩnh An thuộc lô B, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM cũng đã xảy ra một vụ cháy nổ bình gas gây thiệt hại nghiêm trọng.
Theo đó, trong lúc mở bình gas để vận hành dây chuyền sản xuất, bình gas đột ngột phát nổ làm anh Phan Hùng Minh (SN 1976) chết tại chỗ; hai anh Đinh Văn Hải và Võ Huỳnh Chinh bị thương nặng. Ngoài ra, sức ép quá lớn của vụ nổ còn làm mái tôn nhà xưởng bị thủng nhiều chỗ, cửa kính bị vỡ vụn… Tiếp đến, chỉ trong 3 ngày từ 14 đến 17-10 đã xảy ra liên tiếp hai vụ cháy nổ gas tại hai tỉnh Đồng Nai và Quảng Nam làm 15 người bị thương nặng…
Theo số liệu thống kê của Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy TPHCM, những vụ cháy nổ gas xảy ra trong thời gian gần đây bắt nguồn từ những nguyên nhân sau: mua phải gas không đúng nhãn hiệu, sử dụng gas bất cẩn, sang chiết trái phép tại nhà… Do gas là chất dễ cháy, hơn nữa áp suất nén bình gas rất lớn, vì vậy, một khi xảy ra cháy nổ gas, thiệt hại không thể lường trước.
- Người tiêu dùng vẫn còn dễ dãi
Với hơn 8 triệu dân, TPHCM là thị trường tiêu thụ gas nhiều nhất cả nước. Và đến thời điểm này, TPHCM cũng là nơi có số vụ cháy nổ liên quan đến khí gas nhiều nhất cả nước. Không ít những vụ cháy nổ gas đã được các cơ quan truyền thông cảnh báo, tuy nhiên, trước món lợi quá lớn, không ít cá nhân bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người, sử dụng mọi thủ đoạn, hình thức để sang chiết gas trái phép ngay trong khu dân cư.
Chưa hết, ý thức của người tiêu dùng đối với mặt hàng gas cũng là điều đáng báo động. Dạo quanh một số cửa hàng gas trên địa bàn TPHCM, theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều người khi mua bình gas mới dường như chỉ quan tâm đến việc “giá cả sao cho rẻ”, mà hoàn toàn không để ý đến việc mình đã mua phải van, dây dẫn gas hiệu gì, được sản xuất theo tiêu chuẩn nào, có giấy bảo hành, bảo hiểm hay không, thương hiệu gas đó có uy tín hoặc cửa hàng đó có nằm trong hệ thống phân phối chính hãng hay không? Ngoài ra họ cũng chẳng cần lấy hóa đơn! Vì vậy, khi xảy ra cháy nổ, người tiêu dùng hoàn toàn không có bằng chứng gì để yêu cầu các cửa hàng cung cấp gas chịu trách nhiệm!?
Được biết, hàng năm các thương hiệu gas có uy tín trên thị trường đều mở lớp tập huấn cho các đại lý về cách thức sử dụng gas an toàn. Vì vậy đại lý gas được coi là “cầu nối” để tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng gas đúng nguyên tắc. Tuy nhiên, khi đến các cửa hàng gas để tìm hiểu, chúng tôi phát hiện ra đại lý gas rất… lười hướng dẫn cho khách hàng cũng như giải thích về van, dây dẫn gas có nguồn gốc từ đâu, nếu xảy ra sự cố người tiêu dùng được bảo vệ như thế nào? Không ít người tiêu dùng nghĩ rằng, các đại lý đã bảo đảm bằng… miệng, nên chẳng có gì lo lắng. Tuy nhiên, sự dễ dãi này vô tình đã tiếp tay cho những đối tượng làm ăn không đàng hoàng. Và hậu quả là những quả “bom” gas chẳng mấy ngày lại… nổ một lần
ĐÀO THỤY