Chia sẻ kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp tại Việt Nam và khu vực

Chia sẻ kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp tại Việt Nam và khu vực

Tọa đàm Quốc tế APRACA

* Agribank sẽ nâng tỷ trọng dư nợ cho nông nghiệp nông thôn lên 80% tổng dư nợ

Nằm trong các hoạt động thường niên của Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp và Nông thôn châu Á - Thái Bình Dương (APRACA), từ ngày 22 đến 25-10-2014 tại Hà Nội diễn ra chương trình Tọa đàm Quốc tế “Hệ thống cho vay nông nghiệp” với sự tham gia của 28 đại biểu đến từ các tổ chức thành viên APRACA, đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD). Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) là đơn vị đăng cai tổ chức.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank đang phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm có bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Về phía Agribank có sự hiện diện của ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Tiết Văn Thành, thành viên Hội đồng thành viên, quyền Tổng Giám đốc; bà Lê Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng Giám đốc.

Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp và Nông thôn châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) được thành lập từ năm 1977, có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan với 69 tổ chức thành viên tại 21 nước trong khu vực. Là tổ chức tài chính nông nghiệp và nông thôn hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng, tự chủ và phúc lợi của người nghèo ở nông thôn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiệm vụ của APRACA là nâng cao hiệu quả tài chính nông thôn và tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua mạng lưới chia sẻ kiến thức, học tập, năng lực thể chế, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm. Hiện APRACA có 3 trung tâm gồm Trung tâm nghiên cứu và đào tạo về hoạt động ngân hàng; Trung tâm dịch vụ tư vấn; Trung tâm xuất bản APRACA. APRACA đã thành lập chuỗi trung tâm đào tạo và hiện đã xác lập 4 trung tâm. Cứ 2 năm một lần, APRACA tổ chức phiên họp toàn thể (GA). Hàng năm, có 2 kỳ họp Ban Điều hành (EXCOM) và 2 hội thảo chuyên đề. Cơ cấu của APRACA gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và 15 thành viên Ban Điều hành; Tổng Thư ký và Ban Thư ký.

Các đại biểu tại Hội nghị Apraca.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Chamnong, Tổng Thư ký APRACA khẳng định: “Chúng ta tập trung ở đây để thống nhất với mục đích theo đuổi được mục tiêu mà chúng ta đề ra. Diễn đàn khu vực APRACA về hệ thống tài trợ nông nghiệp là một trong những hoạt động của APRACA nhằm tăng cường học hỏi và chia sẻ các kinh nghiệm đổi mới trong lĩnh vực tài chính nông nghiệp nông thôn giữa các thành viên với các tổ chức phát triển, các tổ chức kinh tế quốc tế. Diễn đàn gồm các bài thuyết trình về các thực tiễn và đổi mới trong lĩnh vực tài chính nông nghiệp không chỉ từ các nước châu Á - Thái Bình Dương mà còn từ các nước khác trên thế giới, điển hình là bài thuyết trình của đại diện World Bank. Diễn đàn mở cũng sẽ được đưa ra trong hội thảo này để tăng cường cho các thành viên học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với nhau”.

Trở thành thành viên APRACA từ năm 1991, kể từ khi gia nhập cho đến nay, Agribank luôn là thành viên tích cực. Agribank đã giữ vai trò Chủ tịch APRACA trong thời gian từ 2008 đến 2010. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch, Agribank đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của APRACA như chủ trì và đăng cai nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị toàn thể GA lần thứ 16 năm 2008, Hội nghị Ban Điều hành EXCOM lần thứ 54 năm 2008, diễn đàn FINPower năm 2008, Hội thảo về mối liên hệ giữa Tín dụng - Sản xuất - Tiếp thị năm 2009…; Bên cạnh đó, Agribank đã đón tiếp nhiều đoàn thành viên APRACA sang trao đổi kinh nghiệm như đoàn khảo sát của nông dân Thái Lan năm 2008, đoàn Ngân hàng Phát triển nông nghiệp Nepal năm 2008, Hội trại lúa gạo năm 2009, đoàn Ngân hàng Trung ương Bangladesh năm 2010... Ngược lại, Agribank cũng nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của Ban Thư ký APRACA cũng như các thành viên khác những kiến thức, kinh nghiệm hữu ích đối với hoạt động của Agribank trong cho vay hộ sản xuất, hộ nông dân và người nghèo, mô hình tổ, nhóm; thành lập Quỹ cho vay người nghèo, tiền thân của Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay. Đặc biệt, Agribank đã đưa vào thực hiện sáng kiến thành lập chuỗi trung tâm đào tạo và hiện tại đang triển khai các bước cần thiết để Trường Đào tạo cán bộ Agribank tham gia chuỗi trung tâm này.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, trong chiến lược phát triển trong những năm tới, Agribank định hướng nâng cao hơn nữa vai trò chủ lực trên thị trường tiền tệ, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nâng tỷ trọng dư nợ cho nông nghiệp nông thôn tới 80% tổng dư nợ; phát triển những gói sản phẩm đa dạng phù hợp với đặc tính ngành nông nghiệp, với mục tiêu an toàn - hiệu quả và bền vững. “Song song với việc phát triển, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu của mình, Agribank luôn chú trọng hoạt động hợp tác quốc tế. Chúng tôi xác định và tin tưởng rằng một cơ chế hợp tác đồng thuận, cùng có lợi, hỗ trợ lẫn nhau như APRACA rất có lợi với các tổ chức, nhất là các ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu cần học hỏi mô hình tổ chức, quản trị, điều hành tiên tiến của các ngân hàng trên thế giới. Chúng tôi mong muốn APRACA có nhiều hoạt động hiệu quả hơn nữa và Agribank sẵn sàng tham gia hỗ trợ tích cực cho APRACA” - ông Trịnh Ngọc Khánh nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ của chương trình tọa đàm lần này, các đại biểu đã nghe thuyết trình và thảo luận xoay quanh các chủ đề như hoạt động cho vay hộ sản xuất và cá nhân; tài trợ cho nông nghiệp thông qua hợp tác xã; tài trợ cho chuỗi giá trị trong nông nghiệp; tài trợ cho cơ khí hóa canh tác; quản lý nhận thức trong cho vay nông nghiệp; kinh nghiệm cho vay nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới. Bên lề chương trình tọa đàm, các đại biểu cũng có chương trình khảo sát thực tế tại Agribank Quảng Ninh và thăm trực tiếp một số khách hàng vay vốn của Agribank. Tọa đàm lần này là cơ hội để các đại biểu tham dự được tiếp cận và chia sẻ các kinh nghiệm, kiến thức nghiệp vụ, khảo sát thực tế cũng như chia sẻ những hiểu biết và thực tiễn của hoạt động tín dụng nông nghiệp tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

NHẬT MINH 

Đăng ký và sử dụng Agribank M-Plus có cơ hội trúng Galaxy S4

Agirbank vừa công bố chương trình khuyến mại cho khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Agribank M-Plus. Đây là dịch vụ ngân hàng điện tử thông qua ứng dụng cài đặt trên các dòng điện thoại thông minh chạy trên hệ điều hành iOS, Android, Windows phone hoặc các máy điện thoại có hỗ trợ Java. Trong thời gian khuyến mại từ nay đến 14-12-2014 (chia thành 2 đợt), khi đăng ký và sử dụng dịch vụ Agribank M-Plus, khách hàng của Agribank sẽ có cơ hội nhận nhiều phần quà tặng hấp dẫn. Cụ thể, sẽ có 2 giải nhất cho 2 đợt khuyến mại, mỗi giải 1 điện thoại di động Samsung Galaxy S4 cho khách hàng có doanh số nạp tiền cao nhất trong tháng. Bên cạnh đó là 20 giải khuyến khích trị giá 500.000 đồng, mỗi đợt 10 giải cho các khách hàng có doanh số nạp tiền cao nhất trong đợt (không tính khách hàng đạt giải nhất).

Chia sẻ kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp tại Việt Nam và khu vực ảnh 3

Với dịch vụ Agribank M-Plus, khách hàng có thể chuyển khoản trong hệ thống Agribank theo số tài khoản hoặc theo số thuê bao điện thoại di động; thanh toán hoá đơn điện thoại trả sau; nạp tiền điện thoại trả trước; mua các loại thẻ game, thẻ điện thoại di động và các loại thẻ trả trước của các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ số; thanh toán các hóa đơn điện, nước, truyền hình cáp, mua hàng trực tuyến...

Tin cùng chuyên mục