Chia sẻ miền Trung yêu thương đón tết

Niềm vui từ gạo
Chia sẻ miền Trung yêu thương đón tết

Vết hằn của mưa lũ vẫn còn đâu đó trên dặm dài miền Trung. Và để người nghèo ở đây vơi bớt lo toan, phờ phạc sau bao ngày bị bão vùi lũ dập, cả nước đã chung tay vun vén ân tình để bà con có một cái tết ấm áp giữa mùa xuân Giáp Ngọ. Phóng viên Báo SGGP đã đến các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đâu đâu cũng gặp sự đồng cảm, sẻ chia.

Một bữa ăn truyền thống của người A Rem cận tết. Y Mon, mẹ của 4 đứa con cho biết được hỗ trợ gạo nên tết này bếp luôn đỏ lửa. Ảnh: Minh Phong

Một bữa ăn truyền thống của người A Rem cận tết. Y Mon, mẹ của 4 đứa con cho biết được hỗ trợ gạo nên tết này bếp luôn đỏ lửa. Ảnh: Minh Phong

Niềm vui từ gạo

“Gạo trắng ngần” là từ người Rục, Mày, Sách, Khùa, Mã Liềng, A Rem, Vân Kiều...ở các huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) nói về các đợt gạo của Nhà nước cấp cho đồng bào ăn tết. Hơn 3.000 tấn gạo cứu đói đang được chuyển về tận tay người dân. Anh Cao Văn Lành ở bản Ón, xã Thượng Hóa, Minh Hóa nói: “Năm nào cận tết cũng nhận được gạo Nhà nước. Thế là dân bản mình khỏi lo đói, đứt bữa. Cảm ơn Đảng, Chính phủ đã giúp đồng bào vượt khó, có được cái ăn đón tết ấm áp”.

Tại Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh đã trích ngân sách hơn 10 tỷ đồng giúp các đối tượng chính sách nhân dịp tết về. Tỉnh Quảng Nam cũng phê duyệt nguồn kinh phí hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị để thăm hỏi đối tượng chính sách nhân dịp tết với tổng kinh phí 36,5 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa tiếp nhận 2.500 tấn gạo từ Trung ương hỗ trợ và phân bổ đến các địa phương để cấp phát cho nhân dân trong dịp tết cổ truyền.

Những tấm lòng hướng về miền Trung

Người dân xã Trà Quân (Tây Trà, Quảng Ngãi) vừa đón nhận tấm lòng của cán bộ, viên chức Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH-TT-DL cùng Nhà máy bánh kẹo Biscafun (Quảng Ngãi) với tổng trị giá 50 triệu đồng. Trà Quân là xã khó khăn nhất của huyện Tây Trà. Chị Hồ Thị Tâm vui mừng nói: “Năm nào cũng có quà ăn tết, bà con chúng tôi vui lắm. Có mắm, có gạo, có bánh kẹo là có tết rồi”.

Hơn 2 tháng sau bão lũ, được sự giúp sức của cả nước, người dân xã Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình đã có những ngôi nhà mới để đón tết.

Hơn 2 tháng sau bão lũ, được sự giúp sức của cả nước, người dân xã Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình đã có những ngôi nhà mới để đón tết.

Trong không khí tết đang đến gần, Trường Đại học Đông Á (TP Đà Nẵng) đã tổ chức cuộc thi làm sản phẩm bán hàng “hand made”, thu vào 1.720 phần quà cho người nghèo đón tết. Trường cũng tổ chức gần 3.000 người tham gia làm và gói quà trong vòng 5 phút. Sau khi gói xong, tất cả các món quà được gửi tận tay các em nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố, chùa Quang Châu, Nhà tình thương quận Hải Châu và Bệnh viện Phụ sản - Nhi TP Đà Nẵng. Song song đó, Trường ĐH Đông Á cũng huy động thêm 1.460 phần quà gồm áo ấm, bút, vở, kem, bàn chải đánh răng, bánh kẹo, kẹp tóc… gửi đến 6 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định để trẻ em nghèo có một cái tết ấm áp hơn.

Trở lại xã ven biển Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam), nơi tâm bão số 11 quét qua hồi giữa tháng 10 năm 2013, chúng tôi khâm phục bởi sự “hồi sinh” nhanh chóng của vùng đất nghèo khó này. Những thửa ruộng, luống rau đang khoe một màu xanh ngắt. Khắp thôn làng, ngõ xóm mọi người hối hả chuẩn bị đón tết cổ truyền dân tộc. Ở đây có món quà ý nghĩa của Báo SGGP và Quỹ từ thiện cộng đồng của VNG. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Diệm (thôn Ngân Câu) có nhà bị tốc mái hoàn toàn và sụp một phần trong cơn bão số 11 đã được Báo SGGP và Quỹ từ thiện của VNG hỗ trợ kinh phí sửa chữa. Đến nay căn nhà đã hoàn thành. Mặc dù không to lớn nhưng khang trang, sạch sẽ và là nơi trú ngụ vững chắc cho cả gia đình 5 người.

Mẹ Diệm vui mừng: “Tết ni được ở trong nhà mới sướng lắm. Mấy hôm rồi, trời trở lạnh, nhưng nhà cửa kín mít, mẹ ở trong nhà ấm ru hà”. Ngoài Mẹ Diệm, Báo SGGP và Quỹ từ thiện của VNG còn hỗ trợ xây dựng nhà bị sập, sửa chữa nhà bị tốc mái cho 50 hộ dân trong xã. Đến nay, tất cả hộ dân được hỗ trợ đã ổn định đời sống, chuẩn bị đón tết về.

Trong hoạn nạn mới hiểu lòng nhau

Cận tết, người miền Trung không những nhận được vạn tấm lòng khắp cả nước gửi về mà chính ngay giữa vùng bão lũ thiên tai, những “lá… rách” cũng dang tay đùm những “lá… nát” ở phía bản làng còn ngấn lũ chưa phai. Ông Nguyễn Chí Sĩ, Bí thư xã Tân Trạch, Bố Trạch, nơi người A Rem sinh sống, được người dân xem như vị cứu tinh của bản. Nhà ông ở xa dưới vùng trũng sông Son, lũ lên, vợ con lo cứu gà cứu lứa, ướt sũng, cũng thiếu thốn trăm bề. Biết tin, ông chẳng về giúp được vợ, ở lại cứu dân giữa trời bão dập. Lũ rút, lại đi xin từng lon gạo cho dân bản. Giờ ông lại tất tả đi xin gạo cho dân có tết.

Dù bị ảnh hưởng của thiên tai nhưng người dân bản Arem, xã Tân Trạch (Quảng Bình) vẫn có một cái tết ấm áp. Ảnh: MINH PHONG
Dù bị ảnh hưởng của thiên tai nhưng người dân bản Arem, xã Tân Trạch (Quảng Bình) vẫn có một cái tết ấm áp. Ảnh: MINH PHONG

Ở Quảng Nam, người ta cảm động trước việc ông Phan Thế Hiển, cựu giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ (TP Tam Kỳ) dùng 10 triệu đồng tiền tiết kiệm để trao 32 suất quà gồm: gạo, mứt, bánh kẹo và đồ dùng ngày tết cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn của 2 trường THCS Nguyễn Huệ và Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (TP Tam Kỳ) nhằm có cái tết đầm ấm.

Gặp lại ông Trần Ngọc Giới ở thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, Quảng Trạch (Quảng Bình), nơi bão lốc, lũ càn trắng làng, ông nói: “Làng tui có 247 hộ đều nhận được cứu trợ không lo đói cho đến ra tết. Hơn 200 ngôi nhà bị sập và tốc mái đều đã được dựng lại hoặc xây mới. Hơn hai tháng qua, dân làng đã tập trung tổng lực để giúp nhau khắc phục hậu quả, phấn đấu tết này gia đình nào cũng được ấm cúng trong ngôi nhà của mình”. Ông Giới vừa gặp tai nạn khi giúp dân dựng lại nhà, chân bị thương nặng, phải chống nạng. Bữa lũ bão, lốc xoáy, ông cũng bị tôn chém đứt ngón chân, ông chỉ kịp băng bó rồi lao vào giúp dân, ở lại làng bám dân. Nay cũng thế, ông khập khểnh đi từng nhà động viên bà con.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin cùng chuyên mục