Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam
Hôm nay 14-5, tại Trung tâm Hội nghị 272 (số 272 Võ Thị Sáu, quận 3), Sở KH-CN TPHCM bắt đầu chuỗi các hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày KH-CN Việt Nam (18-5).
Giới thiệu và chia sẻ công nghệ
Theo Sở KH-CN TPHCM, điểm nhấn của sự kiện là các buổi tọa đàm chuyên đề “Thúc đẩy phát triển hoạt động chuyển giao công nghệ giữa TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”, Hội nghị “Chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”… Song song đó là các triển lãm thành tựu KH-CN TPHCM. Những năm gần đây, ở mảng nghiên cứu khoa học, thông qua cơ chế đặt hàng, thành phố đã quy tụ đông đảo các nhà khoa học để giải quyết các vấn đề bức xúc như kẹt xe, ngập nước, sụp lún…
Đến nay, thành phố đã cơ bản xác định danh mục 38 sản phẩm nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa, hỗ trợ đầu tư hoàn thiện công nghệ, tiếp cận thị trường và chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàng hóa phục vụ cộng đồng, xã hội. Trong đó cần nói đến việc hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu 8 sản phẩm (thuốc RUVINTAT - giảm cholesterol, hạ huyết áp; vaccine dại dùng cho thú y; chuyển giao công nghệ chế tạo máy bứt củ lạc công suất 500kg/giờ; sản phẩm video conference phục vụ hội chẩn y tế tại bệnh viện…). Trong số các công trình nghiên cứu này, Sở KH-CN cũng dự kiến lựa chọn 24 sản phẩm, công trình tiêu biểu tham dự triển lãm hình ảnh về các thành tựu KHCN tiêu biểu của TPHCM sau 30 năm đổi mới, đặc biệt trong 5 năm gần đây. Đây cũng là những thành tựu được giới thiệu tại Ngày KN-CN Việt Nam…
Tạo đà cho đổi mới sáng tạo
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM nhấn mạnh, Ngày KH-CN Việt Nam là một sự kiện đặc thù của ngành. Đây là cơ hội để truyền thông đến doanh nghiệp, tổ chức chính trị về tầm quan trọng của KH-CN trong sự phát triển KT-XH, đồng thời, tôn vinh những người làm khoa học. Trên thực tế, thời gian qua, những giá trị đóng góp của KH-CN vào sự phát triển chung là không hề nhỏ, nhưng đôi khi vẫn chưa được các cấp và người dân hiểu đầy đủ.
Lần đầu tiên, Sở KH-CN đã chủ trì thực hiện việc đánh giá tác động của KH-CN đến sản xuất, kinh doanh thông qua chỉ số TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp). Trên cơ sở số liệu thu thập được, tính toán tỷ trọng đóng góp của tốc độ tăng năng suất các yếu tố tổng hợp TFP bình quân trong giai đoạn 2006 - 2012 là 21,4% vào tăng trưởng GDP của thành phố và hàm lượng của KH-CN trong tăng trưởng GDP (hay tăng trưởng giá trị gia tăng) của thành phố là khoảng 15%. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế thành phố đã chuyển biến tích cực, dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao làm nền tảng phát triển. Tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ cao như: cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất và chế biến tinh lương thực, thực phẩm đang tăng dần qua các năm.
Tuy nhiên, hiện nay, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi nhanh và bền vững, đầu tư công nghệ cho doanh nghiệp có ý nghĩa then chốt. Một số liệu gần đây cho biết, chỉ khoảng 8% số doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt trình độ công nghệ tiên tiến (phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Còn về doanh nghiệp trong nước, hầu hết đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Năng suất lao động chung của doanh nghiệp dao động dưới 200 triệu đồng/năm, thấp hơn nhiều mặt bằng chung của các doanh nghiệp một số nước trong khu vực. Vì vậy, “Sở KH-CN sẽ tiếp tục chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho việc đổi mới, chuyển giao công nghệ; tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác ba bên giữa các viện nghiên cứu, trường đại học - doanh nghiệp - cơ quan quản lý nhà nước, trong đó nhà nước đóng vai trò cầu nối trong mối liên hệ giữa doanh nghiệp và các trường, viện”, ông Tân cho biết thêm.
| |
TƯỜNG HÂN