Chiếc áo chuyên nghiệp quá rộng

Liên tiếp những chuyện không hay vừa xảy ra trong tuần qua ở làng thể thao Việt Nam chung quy xuất phát từ một nguyên do: nghiệp dư. Mâu thuẫn trong nội bộ đội tuyển bơi lội đang tập huấn tại Mỹ xuất phát từ cái tôi cá nhân. 2 VĐV môn đua thuyền rowing bỏ trốn tại Australia có nguồn gốc sâu xa từ thu nhập quá kém khi phải theo đuổi nghề nghiệp, cũng như ý thức về trách nhiệm với quốc gia khá mờ nhạt. Còn sự việc cầu thủ trẻ Hoàng Danh Ngọc văng tục được ống kính truyền hình ghi nhận lại là một kiểu thói quen thiếu văn hóa bấy lâu nay ở các cầu thủ bóng đá.

Không khó để nhận thấy “chiếc áo” chuyên nghiệp mà thể thao Việt Nam cố gắng khoác trên mình, kể từ khi thực hiện chủ trương xã hội hóa đang trở nên quá rộng. Ngoại trừ bóng đá, các môn thể thao còn lại vẫn đang giậm chân tại chỗ về thu nhập của VĐV.

Những trường hợp có thể sống bằng nghề như Lê Quang Liêm, Nguyễn Tiến Minh… quá cá biệt. “Bụng đói thì đầu gối phải bò”, các VĐV dù mang tiếng chuyên nghiệp, quanh năm chỉ tập luyện và thi đấu nhưng hoàn toàn không có ý định theo đuổi nghề nghiệp khi ở thời đỉnh cao, họ vẫn không đủ sức lo cho cuộc sống của mình. 2 tuyển thủ quốc gia ở môn rowing bỏ trốn để làm lao động ở nước ngoài cũng có nguyên nhân từ việc họ chẳng thấy tương lai nào ở môn thể thao mà họ đang khổ luyện.

Trong khi đó, ngay ở các VĐV đẳng cấp châu Á ở môn điền kinh cũng chỉ chờ hưởng lương từ nhà nước chứ không có thu nhập phát sinh từ thi đấu chuyên nghiệp. Thể thao Việt Nam đâu thiếu những nhà vô địch châu Á, thế giới nhưng chẳng ai trong số họ có thể sống khỏe bằng nghề của mình. Đã không thể kiếm tiền từ thi đấu thì vẫn là thể thao nghiệp dư mà thôi và ngân sách nhà nước mỗi năm vẫn phải tiêu tốn để nuôi hàng chục môn, hàng ngàn VĐV cũng chỉ để tìm kiếm thành tích ở một vài thời điểm trong năm. Chẳng ai tưởng tượng nổi thể thao Việt Nam đi về đâu nếu không còn được bao cấp.

Thu nhập nhiều nhất vẫn là các cầu thủ bóng đá. Thế nhưng, chẳng vì vậy mà tính chuyên nghiệp của họ tăng lên. Sau khi bị phê phán, cầu thủ trẻ Hoàng Danh Ngọc nhận lỗi và giải thích anh văng tục là do… thói quen vì “cầu thủ nào chẳng thế”. Gần 3 năm bị cấm thi đấu do những hành vi khá nghiệp dư của mình nhưng ngay khi vừa được trở lại sân cỏ, Danh Ngọc tiếp tục cho thấy anh chẳng chuyên nghiệp chút nào. Hoặc như việc dù đã chuyển đổi sang chuyên nghiệp hơn 10 năm nay nhưng đại bộ phận cầu thủ vẫn lơ mơ về việc ký hợp đồng với các CLB. Họ cứ nhắm mắt ký đại rồi khi có chuyện lại cho rằng mình bị lợi dụng, trong khi về nguyên tắc, hợp đồng là sự thỏa thuận từ hai phía.

Trường hợp của cầu thủ Đinh Thành Trung bỗng nhiên thất nghiệp nửa mùa giải 2012 là ví dụ. Lẽ ra anh phải biết mình hết hợp đồng với CLB Hà Nội vào cuối năm 2011 và phải tính toán cho sự nghiệp thì đằng này lại hy vọng vào lời hứa của lãnh đạo CLB, để rồi khi không được tái ký thì cho rằng mình bị đối xử không công bằng.

Sẽ không có một nền thể thao chuyên nghiệp nếu ngay từ chính nhân tố quan trọng nhất là VĐV vẫn nghiệp dư từ cách nghĩ đến văn hóa ứng xử với công việc của mình. Chỉ khi nào VĐV biết cách quý trọng, chăm sóc cho chính sự nghiệp của mình, lúc đó mới không còn cảnh sẵn sàng từ bỏ quyền lợi quốc gia để mưu lợi cá nhân, văng tục chỉ vì thói quen và làm mình làm mẩy với HLV vì không đúng ý mình.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục