Chiếm dụng, lợi dụng của công - cũng là hành vi ăn cắp, nhưng “vi diệu” ở chỗ không cần dùng bạo lực, diễn ra khá công khai. Nhưng lại khó ngăn chặn! Vì sao? Để trả lời câu hỏi này cần phải phân tích điều kiện và phương pháp chuyển đổi từ tài sản công sang tài sản tư hoặc biến thành quyền sử dụng đặc biệt dành riêng cho một quan chức tham nhũng nào đó.
Điều kiện để một người có thể chiếm dụng của công khá đơn giản. Không cần bóng tối, không cần trấn lột hay trèo tường khoét vách... mà chỉ cần “có chức, có quyền”; có thể không cao đến mức “dưới một người trên vạn người”- mà chỉ là một cán bộ “thường thường bậc trung” cũng có thể làm được. Hành vi của những cán bộ chiếm đoạt của công hay lợi dụng chức quyền không khó phát hiện. Nếu đó là chiếc xe công thì có gắn biển số màu xanh, không chỉ dành riêng cho sếp mà thỉnh thoảng còn đón con sếp lúc tan trường và đưa vợ sếp đi lễ chùa... Nếu là một căn nhà được cấp, dù không phải biệt thự, thì chí ít cũng không dưới cấp 3 và không ở trong ngõ hẻm. Nếu là một mảnh đất được giao thì phải ở nơi đắc địa…
Những hành vi tham nhũng “bán công khai” và được che đậy bằng những quy định khá mập mờ ấy có thể nhiều người nhìn thấy, được phát hiện từ nhiều hướng, nhưng rồi nó vẫn diễn ra khá phổ biến. Bởi, nhiều lý do dễ hiểu song lại khó thay đổi. Nếu “từ trên nhìn xuống” - với con mắt trách nhiệm và sâu sát - thì không khó nhận ra. Song, dường như đã quá quen với cách nghĩ: đã là cấp trên thì chỉ cần nói đến “tầm nhìn” xa hàng mấy thập kỷ, còn những việc “ngay dưới mũi giày” lại là chuyện nhỏ, để cho cấp dưới tự làm vì đã có rất nhiều nghị quyết, nghị định, chỉ thị quy định, công văn nhắc nhở... Càng yên tâm hơn khi đơn vị ấy vẫn gửi báo cáo cuối năm hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời vẫn đạt “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”. Ngay cả khi “vô tình nhìn thấy” thì cũng ít khi trực tiếp ngăn chặn vì làm lớn chuyện sẽ ảnh hưởng đến “đoàn kết nội bộ và thành tích chung”; mặt khác có lẽ cũng thấy “quen quen”, vì… đâu phải chỉ ở cấp dưới mới có!?
Nếu “từ dưới nhìn lên” thì càng dễ thấy vì nó diễn ra “ngay trên đầu và ở trước mắt”. Nhưng, do “ thấp cổ, bé họng” nên rất sợ tiếng kêu đơn độc của mình dù có bay lên mấy tầng mây cũng sẽ bị “ngưng tụ” thành những giọt mưa dội xuống chính đầu mình, thì tránh sao khỏi bị “cảm lạnh”? Đó chính là tình trạng khá phổ biến đối với những đơn thư tố cáo, khiếu kiện vượt cấp, rồi lại trả về chính cái nơi bị tố cáo để “tự xử lý”. Chính vì thế mà số lượng đơn từ khiếu nại và tố cáo tham nhũng đất đai giảm không đáng kể - thậm chí còn phức tạp hơn, như đang diễn ra ở nhiều nơi.
Các giải pháp phòng, chống và hạn chế tình trạng chiếm dụng của công đã được nêu ra từ rất lâu. Tuy nhiên, thực chất mới chỉ là gọi tên những công việc phải thực hiện thường xuyên trong chức năng nhiệm vụ; chỉ gắn thêm các cụm từ “...tích cực, đẩy mạnh, nâng cao, đổi mới, quyết liệt...” như “niệm thần chú”. Còn thực tế cho thấy tình hình chuyển biến rất chậm. Điều đó chứng tỏ tính khả thi còn rất hạn chế.
Phải chăng chính là do có quá nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra của nhiều cấp, nhiều ngành, nên tạo ra tình trạng có thể “lấy thành tích của mặt này để che đậy sai phạm ở mặt kia”. Cụ thể như: nếu đã đạt “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh” thì mặc nhiên cán bộ lãnh đạo là đảng viên ở đó phải được công nhận là đủ tư cách, đạo đức!? Về lý thuyết, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là những công cụ để phát hiện những hành vi tham nhũng, chiếm dụng của công. Nó giống như chiếc đèn pin soi vào các vùng tối để tìm những chỗ hư hỏng. Nhưng trên thực tế, nhiều chiếc đèn ấy đã bị “làm mờ và chệch hướng” bằng hối lộ và bệnh thành tích. Việc thanh - kiểm tra, nhất là thanh - kiểm tra của ngành, xem ra rất hợp lý nhưng các đoàn thanh tra sẽ đứng trước sự tác động rất mạnh từ 2 phía: thứ nhất là đối tượng bị thanh tra sẽ cố gắng “làm nhẹ” sai phạm bằng đủ mọi cách, trong đó hối lộ bằng tiền và hưởng thụ vật chất vẫn là hiệu quả nhất; thứ hai là “bệnh thành tích”, vì nếu vạch rõ hết những sai phạm của cơ sở cũng chính là làm bộc lộ sự quan liêu trong lãnh đạo và quản lý của cấp trên... Do đó, trên thực tế có không ít trường hợp “thanh tra” song “không vạch ra hết” mà là “che bớt đi”.
Để phòng, chống tham ô, tham nhũng nói chung thì không thể thiếu công tác thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, thanh, kiểm tra chỉ đạt hiệu quả cao khi có cơ quan thanh tra độc lập, kết nối với kiểm toán độc lập. Riêng đối với tình trạng chiếm dụng và lợi dụng tài sản công thì ngoài biện pháp thanh, kiểm tra, nên nghiên cứu để mở rộng yếu tố căn bản của kinh tế thị trường: tất cả tài sản công phải được định mức giá trị bằng tiền. Trên cơ sở đó, các tổ chức hay cá nhân nào muốn sử dụng tài sản công thì phải trả tiền, như: “phí dịch vụ thuê mướn phương tiện sản xuất hay tiện nghi sinh hoạt”. Cũng như trước đây đã thực hiện “bù giá vào lương” và ngày nay các cơ quan đảng và nhà nước cũng phải trả tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại... chứ không được “xài của chùa” như thời bao cấp nữa.