Câu hỏi này không dành riêng cho bóng đá. Trên mức độ lớn hơn, chiến lược cho thể thao đỉnh cao Việt Nam hiện vẫn là điều trăn trở. Vì vậy, người ta kỳ vọng bóng đá sẽ đi tiên phong trong công tác thực hiện chiến lược nhờ quá trình xã hội hóa mạnh mẽ của nó, qua đó, để các tổ chức thể thao khác học theo.
Tuy nhiên, trong nhiều ngày qua, quá trình chuẩn bị cho đại hội VFF nhiệm kỳ 7 đầu tháng 6 tới lại chủ yếu xoay quanh chuyện ai sẽ là tân Chủ tịch VFF. Đành rằng, tìm được người xứng đáng cho vị trí chủ chốt nhất là chuyện quan trọng, nhưng điều mà cộng đồng bóng đá quan tâm hơn đó là bộ máy VFF khóa tới có đủ năng lực để thực hiện chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 mà Chính phủ phê duyệt mới là điều cấp thiết. Một bộ máy tốt, có tầm nhìn xa thì chắc chắn sẽ tự biết cách tìm cho mình một lãnh đạo giỏi. Nói cho cùng, Chủ tịch VFF là người được đại hội VFF tín nhiệm bầu, nên tư duy và năng lực của các thành viên tham gia đại hội mới là điều đáng quan tâm chứ không chỉ là chiếc ghế Chủ tịch VFF.
Trong khi đó, qua một thời gian phát triển nóng đã có một số khái niệm bị đánh tráo. Ví dụ, người ta đánh đồng chữ chuyên nghiệp với tiền, giữa một CLB chuyên nghiệp với một doanh nghiệp làm bóng đá, giữa sự phát triển ào ạt của giải vô địch quốc gia với nội lực của nền bóng đá. Chính từ những suy nghĩ đó, đã có quan điểm cho rằng Chủ tịch VFF nên là doanh nhân, là người ngoài xã hội thay vì một lãnh đạo từ bộ máy nhà nước mặc dù trên trên thực tế chẳng ở đâu quy định những tiêu chuẩn đó cho vị trí lãnh đạo cả.
Việc Chính phủ phê duyệt đề án phát triển bóng đá 2020 và tầm nhìn 2030 đã trực tiếp chỉ ra cái thiếu lớn nhất của bóng đá Việt Nam chính là chiến lược, là khả năng thực thi chiến lược, là con người phù hợp. Nội dung của đề án cũng đã chỉ rõ, cái đích của chiến lược là bóng đá chuyên nghiệp, nhưng để có được điều đó lại phải xây dựng toàn bộ nền tảng đào tạo, gắn bóng đá với sự phát triển xã hội, từ đó mới tạo ra những giá trị thặng dư để phục vụ cho bóng đá đỉnh cao thông qua các CLB chuyên nghiệp. Trên thực tế, sau khi nhiều doanh nghiệp rút lui vì khó khăn kinh tế, bóng đá Việt Nam khốn đốn vì không còn nội lực do thiếu đầu tư cho nền tảng, có nguy cơ trở lại thời bóng đá bao cấp.
Vì vậy, thay vì tranh luận việc ai mới là người xứng đáng làm tân chủ tịch thì cái cần thiết là VFF phải biết sắp đến mình nên và phải làm gì, bộ máy cải tổ ra sao để tránh đi vào sai lầm ở các nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời có đủ năng lực để tiến hành những bước đầu tiên trong chiến lược mà Chính phủ đã phê duyệt. Nói cho cùng, dù vị trí Chủ tịch VFF quan trọng đến đâu thì cũng chỉ là một người có đủ khả năng tập hợp được sức mạnh tập thể, điều hành được bộ máy dưới quyền cũng như có uy tín và tầm nhìn để dẫn dắt VFF trong thời gian tới.
VIỆT QUANG