“Chiến sĩ áo trắng” ở Trường Sa

“Chiến sĩ áo trắng” ở Trường Sa

“Chiến sĩ áo trắng” là tên gọi thân thương mà mọi người thường gọi các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 7A khi họ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội Trường Sa và cấp cứu ngư dân gặp nạn trên biển.

Các bác sĩ Bệnh viện 7A trong chuyến công tác tại Trường Sa.

Các bác sĩ Bệnh viện 7A trong chuyến công tác tại Trường Sa.

Chúng tôi gặp Thượng tá Trần Hoàng Phong, bác sĩ, Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện 7A, Trưởng đoàn công tác xung phong ra Trường Sa chuyến đầu tiên của bệnh viện từ năm 2007 - 2009.

Bác sĩ Phong tâm sự: “Bệnh viện 7A hàng năm tổ chức 2 chuyến ra Trường Sa để chăm sóc sức khỏe bộ đội và ngư dân. Mỗi chuyến đi có một kíp y, bác sĩ gồm 5 người, đều tự nguyện ra đảo. Ra Trường Sa và được sống cùng bộ đội mới thấm thía những gian khổ của các anh vì nhiều thiếu thốn, nhất là nỗi nhớ người thân… Thế nhưng, chính từ nỗi gian khổ ấy mà bộ đội đã được tôi luyện một tinh thần thép…”.

Hành trình đi biển của các y, bác sĩ đòi hỏi phải có sức khỏe, nghị lực và tình yêu biển cả lớn hơn những con sóng. Trước khi ra đảo, các y, bác sĩ  phải ra Cam Ranh tập luyện khoảng 2 tháng như một chiến sĩ hải quân thực thụ.

Ở Trường Sa, ngoài giờ khám chữa bệnh, các y bác sĩ cũng trực chiến, canh gác và sẵn sàng chiến đấu như bao chiến sĩ khác.

Bác sĩ Phong vẫn nhớ như in kỷ niệm một lần cấp cứu ngư dân Khánh Hòa gặp nạn trên biển khi đang đánh bắt cá xa bờ. Bệnh nhân này đau ruột thừa cấp, sau khi mổ lại bị nhiễm trùng nặng nên sức khỏe rất nguy kịch. Đang làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Đông, anh phải trực tiếp đưa bệnh nhân về đảo Trường Sa Lớn cấp cứu vì ở đây có đủ phương tiện hơn. Thế nhưng, đang trên đường vượt biển thì gặp bão, biển động dữ dội, gió giật mạnh khiến tàu chở bệnh nhân không thể cập bến được. Các thủy thủ đành đưa bệnh nhân xuống xuồng nhỏ chuyển vào bờ. Nào ngờ xuồng bị dây neo quấn vào chân vịt nên chết máy và trôi lênh đênh trên biển. Bất chấp đêm tối, gió lạnh buốt, các chiến sĩ hải quân đã lặn xuống đáy xuồng gỡ dây quấn chân vịt ra cho xuồng nổ máy chạy vào bờ. Cuối cùng, bệnh nhân cũng được đưa lên đảo kịp thời chữa trị.

Gặp Thiếu úy Dương Văn Hải, y sĩ chuyên khoa tim mạch Bệnh viện 7A xung phong ra Trường Sa tháng 5-2010, mới trở về đất liền mấy tháng nay. Hải cho biết: “Chúng tôi ai cũng tự hào vì được chăm sóc sức khỏe bộ đội Trường Sa và ngư dân trên đảo. Mỗi năm đoàn y, bác sĩ khám, điều trị khoảng 200 ca bệnh, những trường hợp quá nặng mới phải đưa vào đất liền…”.

Nhiều bộ đội và ngư dân ngoài đảo nhận xét: Từ ngày có các “chiến sĩ áo trắng” ra đảo, mọi người thật yên tâm… Do ở đảo còn hiếm y, bác sĩ nên việc khám chữa bệnh rất bộn bề. Dẫu vậy, tình yêu biển đảo đã giúp các “chiến sĩ áo trắng” vượt lên tất cả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…

Đại tá Phan Văn Sơn, Chính ủy Bệnh viện 7A, cho biết: “Tất cả các y, bác sĩ đều là đảng viên nên tinh thần xung phong gương mẫu rất cao. Hiện nay, có nhiều y bác sĩ trẻ của bệnh viện đã viết đơn tình nguyện ra Trường Sa công tác”.

Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục