Đã 40 năm trôi qua, song “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn sừng sững như một tượng đài lớn, một mốc son chói lọi, là biểu tượng của ý chí kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ, là khúc tráng ca bất tử của thời đại. Nhằm góp phần đánh giá đúng đắn, đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn về sự kiện lịch sử này, ngày 28-11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy và UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam”.
Đỉnh cao nghệ thuật tác chiến
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 là một biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ cuối tháng 12-1972 là đỉnh cao về nghệ thuật tác chiến của không quân nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ - Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) khẳng định và cho biết, khi đánh vào Hà Nội năm đó, địch cảnh giác và chuẩn bị kỹ cả trên 3 mặt: gây nhiễu; hộ tống nhiều tầng, nhiều lớp tạo nên lá chắn cho B52; đánh đồng loạt các sân bay của ta. Trước một lực lượng không quân nhà nghề của Mỹ, với vũ khí trang bị hiện đại, PK-KQ của ta đã tìm ra cách đánh sáng tạo như: đánh quần, đánh gần, chủ động đánh chặn từ xa…
Thậm chí theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh PK-KQ, cuối năm 1972, một hội nghị bàn về cách đánh máy bay B52 đã được tổ chức và cuốn cẩm nang 30 trang bìa đỏ tập hợp kinh nghiệm, giải quyết vướng mắc khi đối đầu với loại “pháo đài bay bất khả chiến bại” đã ra đời. Và cùng với mạng lưới tên lửa, pháo cao xạ, những chiếc MiG của ta vẫn tung hoành trên bầu trời, khi giấu mình trong mây, thậm chí ngay trong vệt đường bay của máy bay địch để chờ thời cơ và giáng cho địch những đòn đích đáng. Vùng trời Việt Trì - Tam Đảo đã trở thành nơi vùi thây những “thần sấm”, “con ma” và trở thành khu vực khiếp đảm của giặc lái Mỹ.
Nói về chiến thắng lịch sử này, Thiếu tướng Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu, nhấn mạnh, việc kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và các loại vũ khí hiện có để tạo ra lưới lửa phòng không là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, thể hiện sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân của chúng ta.
Đại tá H.G. Summer J.R trong bài viết trong cuốn Anmanac về chiến tranh Việt Nam năm 1985 đã thừa nhận, Bắc Việt Nam là một trong những hệ thống phòng không có hiệu quả nhất trong lịch sử… Các kíp bay chiến đấu Mỹ vào miền Bắc Việt Nam có cảm giác như lao vào một bức tường thép. Còn Kissinger, cố vấn số một của Nhà Trắng trong hồi ký của mình, đã viết: “Không lực Hoa Kỳ đã vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu lực nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới”.
Bước ngoặt lịch sử
Thiếu tướng Vũ Dương Nghi, Chính ủy Binh chủng Thông tin liên lạc, cho biết, thời điểm đó, địch gây nhiễu nặng nhằm làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc của ta nhưng với cách sử dụng linh hoạt nhiều hình thức thông tin từ thô sơ đến hiện đại. Một trong những mô hình đạt hiệu quả cao có thể kể đến đài quan sát bằng mắt ở núi Kiến An, khi phát hiện máy bay địch cất cánh ở các tàu sân bay vào đánh phá thành phố đã lập tức thông báo về sở chỉ huy phòng không thành phố bằng đèn báo hiệu. Tại Hà Nội sử dụng còi ủ đặt trên nóc nhà hát thành phố, tháp nước Hàng Đậu… ở ngoại thành, dùng các phương tiện thô sơ như kẻng, trống đánh liên hồi để thông báo cho các cơ quan, nhà máy và nhân dân biết để kịp thời phòng tránh.
Với mưu đồ tính toán từ trước, Chính quyền Nixon đã huy động 200 máy bay B52, 30 máy bay F111 và hơn 1.000 máy bay tiêm kích, 6 liên đội tàu sân bay và 50 máy bay tiếp dầu KC135... mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân với quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trên miền Bắc, với mật danh “Linebacker II”. Sau 12 ngày đêm anh dũng chiến đấu (18 đến 29-12-1972), quân và dân thủ đô cùng các địa phương miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không của Mỹ; bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 “pháo đài bay” B52. Riêng Hà Nội bắn rơi 25 chiếc B52.
Đánh giá về thắng lợi của chiến dịch phòng không ở thủ đô Hà Nội cuối tháng 12-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét, đây là thắng lợi to lớn nhất, chiến công xuất sắc nhất của cuộc chiến tranh nhân dân trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ... Quân dân Hà Nội, quân dân miền Bắc anh hùng đã đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ, lập nên một “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Hiệp định Paris.
Trận Điện Biên Phủ trên không là khúc tráng ca bất tử của thời đại, nó kết tinh và tỏa sáng nhiều giá trị truyền thống của tinh hoa văn hóa dân tộc - GS-TS Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội khẳng định. “Vũ khí bí mật” của Việt Nam không phải nằm ở khí tài, trang bị mà ở cách đánh giàu tính sáng tạo, đầy tinh thần quả cảm, in đậm ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, được khơi dậy từ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, từ tinh thần chúng muốn biến ta thành tro bụi, ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm, chúng muốn ta cúi mình ô nhục, ta làm sen thơm ngát giữa đời (Tố Hữu).
Tháng năm qua đi, những dấu tích một thời bom đạn cày xới mảnh đất thân yêu này có thể bị phai mờ theo quy luật của thời gian, nhưng tầm vóc và ý nghĩa của “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi âm vang trong tâm trí của mỗi con người Việt Nam nói riêng và nhân loại tiến bộ nói chung.
Vĩnh Xuân