
Dưới sự chỉ đạo của chuyên gia về bệnh sốt rét Erich Martini, quân phát xít đã triển khai một loạt các điều kiện cần thiết để nhân bản loài muỗi độc hại Anopheles labranchiae, vốn là tác nhân lây truyền bệnh sốt rét. Âm mưu này được coi là kế hoạch chiến tranh sinh học đầu tiên và cũng là duy nhất tại châu Âu trong thế kỷ XX.
“Sự xâm lăng của bệnh sốt rét”

Mussolini trong chiến dịch tiêu nước ở vùng đầm lầy Pontine hồi trước chiến tranh
Tháng 9-1943, các hoạt động tác chiến của liên quân Anh-Mỹ tại Italia bắt đầu phát triển hết sức thuận lợi. Ngày 8-9, Chính phủ Italia đã ký hòa ước với bộ chỉ huy liên quân về việc đầu hàng vô điều kiện. Ngay sau khi quân đồng minh đổ bộ lên miền Nam Italia, phát xít Đức cũng xua quân vào chiếm đóng một phần lớn lãnh thổ của Italia. Tình hình đã khiến quân phát xít quyết định tung ra sử dụng một loại vũ khí đặc biệt chưa từng có trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm ngăn chặn hay chí ít cũng cản bớt bước tiến của quân đồng minh - đó là vi trùng bệnh sốt rét như đã nói ở trên.
Người có công phát hiện ra tội ác này là giáo sư sử học Frank Snowden thuộc trường Đại học Tổng hợp Yale (Mỹ). Trong cuốn sách mang tên “The Conquest of Malaria: Italy, 1900-1962” (Sự xâm lăng của bệnh sốt rét. Italia: 1900-1962) do nhà xuất bản Yale University Press ấn hành có một chương lớn mô tả kỹ cuộc thực nghiệm “chiến tranh sinh học” đầu tiên tại châu Âu đã được nghĩ ra, chuẩn bị và thực hiện như thế nào. Dù âm mưu thâm độc trên không thành công lắm về mặt quân sự nhưng chỉ trong vòng 3 năm (từ 1944 đến 1946), nó đã khiến tỷ lệ mắc bệnh sốt rét tại khu vực này tăng nhanh hơn cả ngàn lần và đa phần nạn nhân đều là dân thường vô tội.
Ý tưởng của âm mưu này là rất đơn giản. Anopheles labranchiae là loại muỗi duy nhất mà các ấu trùng (bọ gậy) có thể tồn tại không chỉ trong môi trường nước ngọt mà cả nước mặn. Theo kết quả nghiên cứu, 80% số muỗi tại vùng Podan thuộc loại không gây bệnh sốt rét vì thế chỉ cần tiêu diệt những loài muỗi này để Anopheles labranchiae có đủ môi trường sinh sống và phát triển là kế hoạch thành công.
Các kỹ sư phát xít cuối cùng đã tìm ra được giải pháp. Chúng cho phong tỏa tất cả các trạm bơm tiêu nước và sử dụng các kênh đào không phải để xả nước ngọt ra biển, mà ngược lại đưa nước biển vào vùng đầm lầy. Để đảm bảo chắc chắn hơn cho việc gieo rắc thành công dịch sốt rét, bọn phát xít cho phá hủy tất cả những thuyền và canô trong vùng thường được sử dụng để phát quang cây cỏ (là môi trường trú ẩn thuận lợi cho muỗi) dọc theo các kênh đào. Đáng sợ hơn bọn phát xít còn cho tịch thu trong kho chứa của Bộ Y tế Italia tất cả 9 tấn thuốc ký ninh dùng để trị bệnh sốt rét. Số thuốc này sau đó được đưa tới cất giấu ở Toscan trong những điều kiện hết sức tồi tệ, khiến tất cả bị hư hỏng.
Thường dân lãnh đủ
Kế hoạch “chiến tranh sinh học” bí mật này bước đầu đã có được những thành công: trong giai đoạn từ mùa thu năm 1943 cho tới mùa xuân năm 1944 (khi quân Mỹ tràn vào Rome), tất cả các loại muỗi vô hại ở vùng thung lũng triền sông Pontine đã gần như biến mất, chỉ còn lại duy nhất sứ giả gieo rắc bệnh sốt rét Anopheles labranchiae.
Có điều là âm mưu trên không đạt được thành công về mặt quân sự. Quân đội Mỹ – từng phải đương đầu với dịch tả tại Sicilia – đã tràn vào Italia với cơ số thuốc men đủ để sẵn sàng đối phó với mọi loại bệnh dịch. Ngoài ra, nhịp độ tấn công vào Rome của quân Mỹ nhanh quá mức dự tính của bọn phát xít, khiến các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ gần như không phải trú chân trong vùng đầm lầy.
Có điều là mục tiêu thứ hai của bọn phát xít – trừng phạt những người dân lành Italia – lại thành công đúng như mong đợi. Nếu như vào năm 1943, khu vực này chỉ ghi nhận 1.217 ca bệnh sốt rét thì theo số liệu chính thức trong năm 1944, số ca bệnh tăng lên chóng mặt thành 54.929 người (con số thực tế phải gần 100.000 người) trong khi dân số tại khu vực này chỉ vỏn vẹn có 245.000 người. Nạn sốt rét vẫn tiếp tục hoành hành tại đây cho tới năm 1950, sau khi khu vực này được thoát nước hoàn toàn một lần nữa khiến loài muỗi Anopheles labranchiae không còn nơi sinh sống.
LINH NGA (tổng hợp)