
Sau 3 năm chuẩn bị và 20 tháng quay phim tại 105 địa điểm khác nhau, vào những tháng cuối năm này, một bộ phim Chiến tranh và Hòa bình mới, cũng gồm 4 phần nhưng lần này dành cho màn ảnh nhỏ, đã ra mắt tại các nước châu Âu, được giới phê bình đón nhận tích cực và được coi là một sự kiện của làng truyền hình châu Âu.
“Tượng đài” của văn hóa chung châu Âu

Có thể coi Chiến tranh và Hòa bình lần này là một “siêu phẩm” của màn ảnh nhỏ, một tác phẩm đồ sộ với khối lượng công việc khổng lồ. Bộ phim đã huy động sự hợp tác của đài truyền hình quốc gia 7 nước châu Âu là Pháp, Italia, Đức, Nga, Ba Lan, Tây Ban Nha và Bỉ. Nữ diễn viên người Pháp Clémence Poésy đảm nhiệm vai nữ chính Natacha Rostov; nam diễn viên người Ý Alessio Boni trong vai vị hôn phu đính ước của cô, Hoàng tử André Bolkonski; nam diễn viên người Đức Alexander Beyer trong vai hầu tước trẻ Pierre Bezoukhov; diễn viên người Nga Vladimir Ilyin trong vai thống soái Koutouzov.
Đạo diễn phim Robert Dornhelm là người gốc Roumania sinh sống ở Los Angeles (Mỹ). Kịch bản phim do các nhà viết kịch bản người Anh và Italia thực hiện, âm nhạc do tác giả người Ba Lan soạn. Phim nói tiếng Anh sau đó được dịch và lồng tiếng của mỗi nước.
Tờ Le Monde (Pháp) nhận xét: Mặc dù còn vài điểm hạn chế nhưng bộ phim khá thành công, với déco là khung cảnh thiên nhiên tráng lệ, những hình ảnh rất trau chuốt của vùng bình nguyên nước Nga, những cây bạch dương và những hồ nước, những chiếc xe trượt tuyết lao đi trong sương mờ, các vũ hội hoàng cung, những bộ trang phục sang trọng, những trận chiến với ngựa và đại bác… Còn tờ Le Point (Pháp) thì ví bộ phim như là một “tượng đài” của văn hóa chung châu Âu (“monument européen”)…
Sách được “ăn theo” phim
Ba nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho bộ phim là Italia, Pháp và Đức được quyền “sở hữu” 3 vai chính hàng đầu. Để vào vai Natacha Rostov, Pháp đề nghị nữ diễn viên Clémence Poésy. Italia cũng có một diễn viên của nước mình. Sau 2 tháng thảo luận, Italia đồng ý với lựa chọn của Pháp. Và như vậy, vai nam chính “thuộc” về Italia, diễn viên Alessio Boni, người có đôi mắt xanh như André Bolkonski, được chọn.
Vai nam chính thứ hai, vị hầu tước trẻ tuổi có phần lý tưởng Pierre Bezoukhov, “thuộc” về Đức, nam diễn viên Alexander Beyer đã nhận được sự đồng thuận cao. Tương tự, vai Nga hoàng do một diễn viên người Nga (Igor Kostolevsky), vai Hoàng đế Napoléon do một diễn viên người Pháp (Scali Delpeyrat) đảm nhiệm được coi là lẽ tự nhiên…
Chuyện phim có một số thay đổi so với tác phẩm văn học. Trong truyện, André Bolkonski là người lạnh lùng, ít khi thổ lộ những suy nghĩ hay tình cảm của mình. Trong phim, anh nói nhiều hơn, do nhu cầu “kể chuyện” của phim. Pierre Bezoukhov vốn là người du học Pháp về, phần nào có cảm tình với nước Pháp của Napoléon; trong phim, đặc điểm này bị “xóa” đi. Natacha Rostov mới chỉ 13 tuổi khi câu chuyện bắt đầu nhưng trong phim cô đã 18 tuổi, vì phim không thể “chờ” cô lớn lên… Phim được quay cảnh phần lớn ở Saint-Petersbourg (Nga) và Lituanie.
Ở Italia, bộ phim được chiếu trên đài truyền hình quốc gia RAI vào cuối tháng 10 vừa qua, thu hút trung bình mỗi tối 6,1 triệu người xem, chiếm 25% tỷ lệ khán giả truyền hình. Đến lượt đài truyền hình quốc gia Pháp France 2 khởi chiếu bộ phim từ ngày 6-11, mỗi tối thứ ba trong 4 tuần liên tiếp và cũng có khả năng đạt tỷ lệ người xem cao tương tự. Phim sẽ lần lượt được công chiếu ở các nước khác.
Chiến tranh và Hòa bình được khán giả châu Âu tán thưởng do đáp ứng được nhu cầu thưởng thức những tác phẩm điện ảnh truyền hình “hoành tráng”, “có chất lượng”. Chưa kể một trong những “hệ quả tích cực” của phim là thúc đẩy khán giả tìm đọc lại thiên tiểu thuyết nay đã trở thành tài sản chung của cả nhân loại của Lev Tolstoi….
Đại văn hào Nga Lev Tolstoi đã dành ra 7 năm (1863-1869) để viết nên trường thiên tiểu thuyết hơn 1.500 trang Chiến tranh và Hòa bình, về số phận của những gia đình Nga trong cuộc chiến tranh diễn ra giữa Nga hoàng Alexandre Đại đế và Hoàng đế nước Pháp Napoléon khởi đầu năm 1805. Tới nay, có hai lần cuốn sách được chuyển thể thành phim: Lần thứ nhất vào năm 1956 do đạo diễn người Mỹ King Vidor làm với Audrey Hepburn và Henry Fonda trong vai chính; lần thứ hai vào năm 1965, do đạo diễn nổi tiếng người Nga Serguey Bondartchouk thực hiện. |
NGỌC HÀ (tổng hợp)