Thành phố Hồ Chí Minh đang tổ chức cuộc vận động nhân dân đi xe buýt thay cho các phương tiện cá nhân, mà giai đoạn 1 (từ ngày 1-7 đến 1-12-2011) là nhằm vào các đối tượng cán bộ, đảng viên, công chức, sinh viên, học sinh sống, làm việc và học tập tại TPHCM; giai đoạn 2 (từ 2-12-2011 đến 2-12-2015) mở rộng ra toàn thể nhân dân TPHCM. Kể từ khi chính thức phát động đến nay đã gần 4 tháng, song dường như cuộc vận động này mới đang ở khâu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng mà chưa đi vào thực tế cuộc sống.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu cán bộ công nhân viên của ngành này gương mẫu và vận động người thân sử dụng xe buýt để đi lại tại Hà Nội và TPHCM - hai thành phố lớn nhất nước. Song đó mới là ý tưởng, mà để biến thành hiện thực là không hề dễ dàng. Tại sao vậy?
Để cuộc vận động đi vào chiều sâu của cuộc sống, để xe buýt trở thành phương tiện thiết thực của đông đảo người dân cần sự hội tụ của rất nhiều yếu tố.
Trước hết là việc cải tổ ngay chính hệ thống giao thông công cộng quan trọng nhất này. Ở TPHCM, với gần 150 tuyến xe buýt hiện có, hệ thống này rõ ràng không thể len lỏi vào hơn 1.000 tuyến đường lớn nhỏ của thành phố có khoảng 10 triệu người sống, làm việc và học tập; để cho mọi người có thể “ra đường là có xe buýt” và đến những nơi họ cần một cách thuận tiện nhất. Đã vậy, hệ thống chỉ dẫn các tuyến xe buýt này rất mù mờ, hầu hết chỉ có điểm đầu và điểm cuối hoặc vài địa danh ở giữa mang tính ước lệ.
Đáng tiếc việc thông tin chi tiết, bằng bản đồ chẳng hạn, các tuyến xe buýt ở TPHCM để người dân biết có thể đi từ đâu đến đâu - rất cần thiết cho người muốn đi xe buýt - lại chưa được ngành chức năng và các doanh nghiệp quan tâm hoặc chỉ làm một cách qua loa. TPHCM đang trong quá trình đô thị hóa, mở rộng thành phố về mọi phía, rất nhiều tuyến đường mới được hình thành. Song hệ thống xe buýt lại chưa thể vươn tới.
Ngoài việc thiết lập một mạng lưới xe buýt khoa học, hợp lý, thuận tiện cho người dân và hệ thống chỉ dẫn cụ thể, việc thay đổi hệ thống xe đã quá cũ, kém chất lượng cũng như thái độ và cung cách phục vụ đối với người đi xe buýt là giải pháp căn cơ. Gần đây, ngành giao thông vận tải và các doanh nghiệp đã được chính quyền TPHCM tạo điều kiện thay đổi phương tiện mới, hiện đại, tránh ô nhiễm môi trường, song tốc độ rất chậm và gặp vướng mắc về cơ chế tài chính. Nếu không tháo gỡ kịp thời những cơ chế này, mục tiêu của cuộc vận động sẽ chỉ là những khẩu hiệu suông.
Bên cạnh việc đổi mới hệ thống xe buýt và cung cách phục vụ, việc hạn chế xe cá nhân ở TPHCM là giải pháp hỗ trợ rất quan trọng cho việc sử dụng xe vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, nó phải được làm từng bước thận trọng và song hành với việc hình thành mạng lưới vận tải hành khách công cộng thuận tiện và đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, thay thế cho phương tiện cá nhân.
Một yếu tố có tính quyết định đến kết quả của cuộc vận động này là ý thức của mọi người trong việc sử dụng xe buýt để đi lại, làm việc và học tập, trong đó có thói quen đi bộ - một thói quen của cư dân những thành phố lớn, văn minh trên thế giới. Để hình thành thói quen này, ngoài các biện pháp kinh tế phải có biện pháp hành chính cần thiết như cấm các phương tiện cá nhân vào một số đường phố trung tâm, hạn chế xe cá nhân vào những giờ cao điểm trên một số tuyến đường…
Nếu thực hiện tốt các giải pháp trên, cuộc vận động nhân dân đi xe buýt chắc chắn mang lại hiệu quả cao, có chiều sâu và quan trọng là hình thành một tập quán sử dụng các loại hình vận tải hành khách công cộng thay cho xe cá nhân.
Phan Lộc