
Ngày 13-8, Chile triệu đại sứ nước này tại Peru về nước để báo cáo tình hình, đồng thời hủy chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hạ viện Patricio Walker tới nước láng giềng này, nhằm phản đối việc Peru xuất bản một bản đồ quốc gia, trong đó có một vùng biển mà Chile khẳng định chủ quyền.
Từ lịch sử phân chia ranh giới...

Tấm bản đồ quốc gia của Peru xuất bản ngày 12-8 qua, xác định lãnh hải Peru tại khu vực miền Nam, cách bờ biển Chile ít nhất 38.000km2 kể từ cột mốc số 1 có tên Concordia. Khu vực này được đánh giá rất giàu tài nguyên cá ở biển Thái Bình Dương.
Mối quan hệ giữa Chile với các nước láng giềng Peru và Bolivia được xác định cách đây hơn 120 năm. Khi đó, Chile giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương năm 1879 – 1884, đánh bại các lực lượng của Peru và Bolivia và sáp nhập lãnh thổ của 2 “kẻ thù” này lại, gồm một phần lãnh hải. Theo quan điểm của Chile, năm 1929, nước này và Peru đã ký Hiệp ước phân định biên giới trên bộ giữa hai nước, còn các thỏa thuận quốc tế năm 1952 và 1954 đã xác định biên giới trên biển.
Tuy nhiên, Peru không công nhận các thỏa thuận này trong việc hoạch định biên giới trên biển vì đây đơn thuần chỉ là các thỏa thuận đánh cá. Cơ quan lập pháp Peru năm 2005 đã thông qua một điều luật xác nhận rằng đường ranh giới biển giữa 2 nước chưa bao giờ được phân định rõ ràng.
...đến quan hệ căng thẳng
Theo kế hoạch, Chủ tịch Hạ viện Patricio Walker, dự kiến thăm Peru vào ngày 21-8 tới để hội kiến với Tổng thống Alan García và dự một cuộc hội thảo của Nghị viện các quốc gia vùng Andes, coi việc Peru xuất bản bản đồ trên là một hành động “khiêu khích lớn”. Tổng thống Chile Michellet Bachelet cũng có kế hoạch thăm Peru vào tháng 11-2007 tới, nhưng ông Sergio Romero, thành viên Ủy ban đối ngoại Thượng viện, cho rằng cần phải xem xét lại chuyến thăm có còn cần thiết không.
Sau cuộc họp khẩn cấp trong nội các, Bộ Ngoại giao Chile khẳng định Peru đã vi phạm các hiệp ước đang có hiệu lực về phân định biên giới giữa hai nước, rằng lãnh thổ của Chile từ lâu đã được phân định rất rõ ràng. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Peru Jose Garcia Belaunde cho hay Peru sẽ sớm đưa vấn đề này ra Tòa án quốc tế La Hay để giải quyết và quả quyết rằng nước ông có đủ bằng chứng cho thấy vùng biển đó là của Peru.
Hạnh Chi (theo Earthtimes, AP)