Chìm tàu, trách nhiệm của ai?

Vụ tàu du lịch Thảo Vân 2 bị chìm tại khu vực giữa cầu Rồng và cầu sông Hàn, Đà Nẵng đã gióng lên hồi chuông báo động về an toàn giao thông đường thủy.

Vụ tàu du lịch Thảo Vân 2 bị chìm tại khu vực giữa cầu Rồng và cầu sông Hàn, Đà Nẵng đã gióng lên hồi chuông báo động về an toàn giao thông đường thủy.

Tàu chỉ được phép chở tối đa 28 người kể cả lái tàu và nhân viên nhưng tàu lại chở đến 56 người. Khi tàu khởi hành, toàn bộ hành khách trên tàu không một ai mặc áo phao dù ở phía sau ghế của khách đều có sẵn áo. Khi tàu bị chao đảo, mọi người cuống cuồng tìm áo phao nhưng trong lúc hoảng loạn không một ai đủ bình tĩnh để mặc áo phao thì tàu đã lật úp.

Điều khiến tàu chìm ngay sau đó là do tầng hai có rất nhiều du khách ngồi trên ghế nhựa đã dồn về một phía khiến tàu nghiêng và lật rất nhanh. Nếu ghế dành cho du khách được cố định trên sàn tàu thì sẽ không xảy ra tai nạn đau lòng này.

Rất may thời điểm tàu gặp nạn còn sớm (chưa đến 21 giờ), trên sông lúc này tàu bè còn hoạt động nên kịp thời phát hiện ứng cứu. Nếu sự cố xảy ra vào đêm khuya vắng người thì số người chết chắc không dừng ở con số 3.

Điều đáng nói là con tàu này là tàu đánh cá được hoán cải thành tàu du lịch. Tuy nhiên, sau khi hoán cải, tàu chỉ mới được đăng kiểm chứ chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép vận tải hành khách du lịch trên sông Hàn. Dư luận cho rằng, việc tàu Thảo Vân 2 hoạt động không phép cả năm nay không lẽ các ngành chức năng không biết?!

Những năm qua, đã xảy ra hàng loạt vụ chìm tàu, như tàu du lịch nhà hàng Dìn Ký chìm trên sông Sài Gòn tại xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương trong đêm 20-5-2011, làm 16 người thiệt mạng. Hai năm sau (ngày 2-8-2013) một ca nô chìm ở biển Cần Giờ, TPHCM khiến 9 người chết…

Điều đáng nói là sau mỗi vụ xảy ra, Thủ tướng đều chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc tổng kiểm tra xử lý rất quyết liệt ngay tại thời điểm xảy ra sự cố, nhưng sau đó mọi việc đâu vẫn vào đấy! Bài học rút kinh nghiệm từ các vụ chìm tàu đã quá nhiều và hình như đang dần thành thói quen bình thường như tai nạn giao thông đường bộ.

Hiện nay, trên các sông lớn ở Cần Thơ, TPHCM và Đà Nẵng..., ngoài những chiếc tàu du lịch lớn, còn lại là những chiếc thuyền composite hoặc ghe nhỏ được cơi nới mái che để làm “du lịch” chạy lòng vòng trên sông với hình thức vừa bán đồ ăn thức uống như một nhà hàng nổi trên sông. Những chiếc thuyền và ghe nhỏ này chỉ cần một cơn nước xoáy hoặc gió giật mạnh có thể bị lật ngay. Trong khi đó, nhiều gia đình dẫn cả trẻ em đi tham quan, ngắm cảnh bằng tàu du lịch kiểu này rất phổ biến. Hầu hết họ không màng mặc áo phao, thậm chí vô tư đùa giỡn bất chấp lưỡi hái tử thần có thể ập đến bất cứ lúc nào. Bên cạnh sự thờ ơ của chủ phương tiện không chấp hành các quy định pháp luật, những tai nạn chìm tàu như thế này còn có nguyên nhân từ sự thiếu trách nhiệm và vô cảm của các cơ quan quản lý. 

Để du lịch thủy phát triển, trước hết cần phải đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách. Muốn thu hút khách du lịch, chính quyền địa phương cần khẩn trương chấn chỉnh hoạt động tàu du lịch, đồng thời lãnh đạo các ban ngành đoàn thể nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn giao thông thủy.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục