
Phụ huynh thường bắt đầu cho con chỉnh răng vào khoảng 9-14 tuổi nhưng theo khuyến cáo của Hiệp hội Nha khoa Mỹ, trẻ em nên đến nha sĩ khi răng sữa bắt đầu nhú lên hoặc trước 7 tuổi khi trẻ còn cả răng sữa và răng vĩnh viễn. Ngay cả khi răng trẻ trông có vẻ thẳng tắp nhưng cũng có thể có một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm và sự mọc răng vĩnh viễn sau này.

Trước và sau khi chỉnh nha
Thông thường, nếu một vấn đề được phát hiện, bác sĩ chỉnh răng không khuyên điều trị tức thời, mà thường “chờ và xem” để kiểm tra răng cho bé thường xuyên vì xương hàm và khuôn mặt bé vẫn còn đang phát triển. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bác sĩ chỉnh răng khuyên nên điều trị sớm nhằm ngăn ngừa các rối loạn trầm trọng và giúp cho việc điều trị sau này ngắn hơn và ít phức tạp hơn.
Điển hình trong việc điều trị sớm là việc sử dụng những khí cụ chỉnh răng tháo lắp để hướng dẫn sự phát triển xương non và tạo ra một môi trường tốt cho răng vĩnh viễn khi chúng mọc lên. Trong một số trường hợp điều trị sớm, bác sĩ chỉnh răng có thể đạt được kết quả tốt mà nếu để khuôn mặt và xương hàm đã hoàn toàn phát triển thì không thể.
Lợi ích của việc điều trị sớm là: có thể hướng dẫn sự phát triển của xương hàm. Giảm nguy cơ làm răng cửa bị hô. Sửa đổi những thói quen có hại cho răng miệng. Làm tăng vẻ đẹp và sự tự tin. Cải thiện đường môi.
Những dấu hiệu trên hệ răng sữa có thể dẫn đến lệch lạc răng vĩnh viễn về sau.
Thường thì không dễ nhận biết trước khi nào bé có một vấn đề cần phải chỉnh răng. Tuy nhiên có thể lưu ý các dấu hiệu:
- Gương mặt không cân đối.
- Xương hàm đưa ra phía trước hoặc phía sau quá xa.
- Trẻ bị đau răng một bên hàm nhai nên chỉ nhai bên đối diện; khó khăn trong việc nhai, cắn.
- Có vấn đề ở khớp thái dương hàm.
- Bị sang chấn răng hoặc hàm mặt do tai nạn, té ngã…
- Trẻ nghiến răng, cắn chặt răng hoặc cắn vào trần miệng.
- Hàm răng sữa thiếu chỗ, mọc lệch lạc hoặc không có khoảng hở giữa răng.
- Một số tương quan bất lợi giữa hàm trên và hàm dưới răng sữa cần phát hiện sớm.
- Nhổ răng sữa quá sớm hoặc sâu răng, vỡ lớn trên răng sữa mà không điều trị phục hồi.
- Răng sữa tồn tại quá lâu trên cung hàm.
- Tủy răng sữa bị hoại hở mà không được điều trị kịp thời.
Khi răng vĩnh viễn mới mọc cần lưu ý
- Răng mới mọc đã hô, chìa, xoay hoặc kẹt.
- Răng chen chúc hoặc quá thưa, quá lớn so với khuôn mặt.
- Hàm trên và hàm dưới không ăn khớp với nhau hoặc ăn khớp một cách bất thường khiến trẻ ăn uống khó khăn.
- Một số thói quen xấu như mút tay, thở miệng đẩy lưỡi, chống cằm…
Những thói quen xấu ảnh hưởng đến răng miệng:
- Nghiến răng: Có vài thói quen rất có hại, ảnh hưởng đến sự tồn tại của một hay nhiều răng. Một trong những thói quen đó là nghiến răng. Một số trẻ nghiến siết các răng mạnh đến nỗi làm vỡ men bờ cắn của các răng sữa. Hoặc gây mòn nhiều răng dẫn đến cắn sâu.
Cắn môi má: Trẻ thích cắn môi má thường có những stress tình cảm, thường xuất phát từ những bất hạnh và mâu thuẫn trong gia đình. Nha sĩ sẽ cho phụ huynh biết về thói quen này và hướng dẫn cách điều trị thích hợp.
Thở miệng: Trẻ thở miệng có thể do đường mũi bị cản trở, do có thói quen thở miệng; hoặc trẻ thở bằng mũi, nhưng do môi trên quá ngắn nên miệng vẫn hở khi thở mũi. Răng bị lệch lạc thường gặp ở người thở miệng.
Mút môi: Mút môi lâu ngày dẫn đến răng cửa dưới nghiêng vào trong - về phía lưỡi, và các răng cửa trên nghiêng ra trước - về phía môi, gây nên tình trạng răng chìa ra trước quá mức và răng trên che phủ răng dưới nhiều (cắn sâu).
Tự gây chấn thương: Trẻ có thể dùng bút chì, bút bi hay những vật sắc nhọn để tự gây tổn thương. Thói quen mút ngón tay (nhất là ngón cái) khiến các móng tay có thể làm trầy xước mô quanh răng.
Đẩy lưỡi hay nuốt lệch: Tật đẩy lưỡi làm các răng phía trước, trên và dưới nghiêng ra phía trước và thưa nhau, có khi gây cắn hở (do lưỡi đặt vào giữa răng cửa trên và dưới, cản trở sự mọc lên bình thường của các răng này).
Mút ngón tay: Hay gặp ở trẻ em, khoảng 50% trẻ 1 tuổi có thói quen này. Nếu thói quen này kéo dài đến thời kỳ mọc răng cửa vĩnh viễn hàm trên sẽ gây ra những rối loạn cho việc mọc răng hoặc sắp xếp răng, hay cả hai.
Tùy theo vị trí đặt ngón tay và điểm tựa trên răng hay xương ổ khi mút, các răng sẽ di chuyển:
- Răng trên mọc nghiêng phía môi, làm thưa các răng.
- Răng cửa dưới nghiêng về phía lưỡi.
- Tăng độ cắn chìa và cắn hở, có thể đưa đến việc đẩy lưỡi ra phía trước hay phát âm khó khăn.
- Các răng cửa trên nghiêng về phía môi khiến chúng dễ gãy khi chạm phải.
Chống cằm: Thói quen chống cằm trong thời gian dài làm thay đổi hướng phát triển của xương hàm dưới khiến khuôn mặt trở nên mất cân xứng.
(Còn tiếp)
QUỐC VĂN ghi
(Nguồn: Trung tâm Nha khoa Minh Khai)