Chính phủ chỉ đạo tăng cường bình ổn giá

(SGGPO).– Hôm qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2010. Theo đó, trong số các công việc trọng tâm chỉ đạo từ nay đến cuối năm, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác bình ổn giá, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng, đặc biệt là một số mặt hàng đầu vào của sản xuất như xăng, dầu, điện, than... và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như sữa, thuốc chữa bệnh.

Việc bình ổn giá đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm vì trong tháng 9-2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,31% so với tháng trước, tăng 6,46% so với tháng 12-2009, trong đó nhóm thiết bị dạy học, đồ dùng học sinh có chỉ số giá tăng cao nhất (12,02%), do nhu cầu tăng mạnh phục vụ cho năm học mới. Ngoài ra, giá lương thực cũng tăng khá cao. Như vậy, sau 6 tháng liên tục giữ được mức tăng chỉ số giá dưới 1% (trong đó có 5 tháng dưới 0,3%), chỉ số giá lại có dấu hiệu tăng trở lại. Dù lý giải việc tăng giá trong tháng 9 chủ yếu do đến mùa tựu trường, không có gì bất thường nhưng Chính phủ cũng lưu ý để bảo đảm kiềm chế lạm phát cả năm khoảng dưới 8%.

Bộ Tài chính được yêu cầu trước ngày 11-10 phải trình Thủ tướng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường những tháng cuối năm 2010. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính tập trung kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2010 cao hơn dự toán, kết hợp với việc quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả để giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống mức 5,95% GDP; chủ động điều hòa, sử dụng ngân sách nhà nước để bảo đảm các nhiệm vụ mới phát sinh, hạn chế việc bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn.

Bộ Kế hoạch – Đầu tư được yêu cầu tiếp tục chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư cho các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và FDI; không mở thêm danh mục dự án đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Thực hiện việc rà soát, điều chuyển vốn theo hướng tập trung cho các công trình hoàn thành, các công trình quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ thi công. Về sản xuất và tiêu thụ xi măng, Bộ Xây dựng chủ động đề xuất phương án tiêu thụ xi măng trong nước, tập trung vào các công trình làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và các công trình hạ tầng khác.

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục