Chính phủ họp thường kỳ tháng 8 - Kiềm chế lạm phát: Ưu tiên số 1

Không để tái diễn hỗn loạn về tỷ giá và giá vàng

Trong 3 ngày từ 30-8 đến 1-9, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 8. Chiều 1-9, cuộc họp báo đã được tổ chức tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Không để tái diễn hỗn loạn về tỷ giá và giá vàng

Tại cuộc họp báo, ông Vũ Đức Đam cho biết, trong phiên họp Thủ tướng khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ tập trung thực hiện các giải pháp mà Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đề ra. Trong đó, Chính phủ khẳng định tiếp tục thắt chặt tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ; cắt giảm đầu tư công một cách hợp lý, hiệu quả, không cắt giảm cào bằng, tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách. Quản lý chặt vàng và ngoại tệ, kiên quyết không để tái diễn tình trạng hỗn loạn về tỷ giá và giá vàng. Quan điểm của Chính phủ về giá vàng là điều hành liên thông với giá vàng thế giới.

Lý giải về cơn sốt vàng thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho rằng, giá vàng thế giới nhiều biến động đã tạo tâm lý người bán không muốn bán, người chưa có vàng thì muốn mua, tạo khan hiếm vàng trong ngắn hạn, là cơ hội để những người làm giá đầu cơ. Trước tình hình đó, ngân hàng đã cho nhập 5 tấn vàng và thực tế các doanh nghiệp (DN) chỉ nhập 2,1 tấn vàng. Từ đầu năm đến nay, đã cấp phép nhập 15 tấn, nhưng đến nay, kể cả qua đợt sốt vàng vừa qua, các DN mới chỉ nhập 7 tấn.

Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, tỷ giá tương đối ổn định, nếu có điều chỉnh thì cũng chỉ trong phạm vi biên độ 1%, bảo đảm cho người gửi tiền đồng, USD ở ngân hàng đều có lãi và an toàn.

Trước băn khoăn về dư địa tín dụng còn lớn, từ nay đến cuối năm nếu ngân hàng đẩy thêm tiền, hạ lãi suất có khiến CPI tăng? Ông Bình khẳng định: “Chính phủ kiên quyết thực hiện Nghị quyết 11, kiềm chế lạm phát là số 1”. Còn về dư địa tín dụng, năm nay không có gì khác so với các năm. Hiện nay, tăng trưởng tín dụng đã 11,7%, trong khi yêu cầu cả năm bảo đảm dưới 20%. “Hiện tăng trưởng tín dụng đã thực hiện hơn 70% (các năm trước chỉ 55%-60%). Tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng qua là rất cao, không có chuyện dồn toa trong các tháng cuối năm. Tăng trưởng tín dụng dưới 20% nhưng không nhất thiết phải sử dụng hết mà phải bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát”, ông Bình lý giải.

Chống thất thu thuế

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng cho biết, để kiềm chế lạm phát Bộ Tài chính đã công bố gói 6 giải pháp tài chính ngân sách trong 4 tháng còn lại. Trong đó về tài khóa, Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường quản lý thu, chống thất thu thuế nhất là các khoản thu liên quan đến đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, phấn đấu tăng thu ít nhất 7%-8% dự toán Quốc hội quyết định. Kiên quyết thu hồi các khoản đầu tư tại các dự án vi phạm (hơn 2.000 tỷ đồng). Bộ Tài chính phấn đấu bội chi khoảng 4,9%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Về kiểm soát giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, bộ sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm về giá ở những thị trường, thời điểm nhạy cảm như lễ tết. Minh bạch hóa giá xăng dầu, điện. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, kiên quyết hạn chế nhập siêu các mặt hàng xa xỉ.

Về vấn đề trả nợ nước ngoài của các DN đang được xã hội quan tâm, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, nợ của Vinashin là nợ thương mại, DN vay thì phải trả, Chính phủ chỉ hỗ trợ Vinashin thuận lợi trong việc trả nợ đó. Còn với các dự án xi măng, do đây là lĩnh vực ưu tiên đầu tư nên Chính phủ bảo lãnh các dự án được vay vốn nước ngoài. Đến 31-8-2011, Chính phủ đã bảo lãnh 1.350 triệu USD với tổng số 16 dự án xi măng.

“Nợ do Chính phủ bảo lãnh là nghĩa vụ dự phòng. Nếu DN không trả được mà Chính phủ phải trả thay thì thành nghĩa vụ Nhà nước. Nếu DN không trả được thì Bộ Tài chính sẽ ứng để trả nợ thay DN, nhiều nhất là 3 kỳ. Đến nay các dự án xi măng Bộ Tài chính phải trả nợ thay đều chưa quá mức 3 kỳ. Nếu sau 3 kỳ DN vẫn không trả được sẽ tiến hành bán thanh lý tài sản thế thấp để thu hồi trả nợ”, ông Huệ cho biết.

Phan Thảo


Tăng trưởng GDP năm 2012 dự kiến khoảng 6,5%

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2011 và kế hoạch năm 2012 do các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo vừa đưa ra nhận định, tình hình kinh tế năm 2012 nói chung vẫn chưa thuận lợi và Việt Nam chưa thể kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao như trước thời điểm khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2012 là 6,5%, trong khi dự kiến mức đạt được trong năm 2011 là 6%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 dự kiến đạt khoảng 99,7 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2011. Nhập siêu ước sẽ giảm xuống dưới mức 16%. Chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) dự kiến được kiềm chế dưới 10%.

A.Thư

Tin cùng chuyên mục