(SGGPO).– Hôm qua, 6-11, Chính phủ đã có tờ trình chính thức do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký kiến nghị Quốc hội về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện không có nơi cứ trú ổn định vào cơ sở bắt buộc.
Chính phủ cho rằng dù đã có nhiều kết quả quan trọng nhưng tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, số người nghiện tiếp tục gia tăng, tỷ lệ tái nghiện vẫn còn cao. Trong khi đó, đoàn ĐBQH TPHCM ngày 27-10 đã trình Quốc hội cho phép dưới hình thức một Nghị quyết hoặc lồng ghép vào Nghị quyết về kinh tế-xã hội tại kỳ họp này, giao cho TP quản lý, cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội (thay cho tổ chức xã hội) trong khi chờ lập hồ sơ ban hành quyết định của tòa án đưa đi cai nghiện tập trung.
UBND TPHCM cũng đã có tờ trình lên Thủ tướng về việc xin chủ trương tập trung quản lý người nghiện ma túy tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Theo tờ trình của Thủ tướng, Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1-12014 quy định liên quan đến cai nhiện ma túy, việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được quyết định bởi Tòa án để bảo đảm quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Nhưng trong quá trình thực hiện đã có một số vướng mắc về thủ tục.
Chính phủ cho rằng, đối với những người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định, những vướng mắc trong lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là tạm thời, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo khẩn trương khắc phục. Tuy nhiên, đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định thì theo quy định của Luật, trong thời gian lập hồ sơ, người vi phạm được giao cho tổ chức xã hội quản lý. Nhưng trên thực tế, không có tổ chức xã hội nào quản lý đối tượng này, còn các cơ sở lại không được phép quản lý trong thời gian lập hồ sơ.
Thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành địa phương tháo gỡ khó khăn này. Một số địa phương đã chủ động, linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp. TP Hà Nội đã sắp xếp, chuyển đổi các Trung tâm chữa bệnh, giáo dục-lao động-xã hội theo hướng tự nguyện, đồng thời vận động người nghiện tự nguyện vào trung tâm cai nghiện, kết hợp đẩy mạnh điều trị bằng Methadone. TP Đà Nẵng ngoài việc có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, qua đó rút ngắn hồ sơ lập hồ sơ cũng đã lập “cơ sở xã hội quản lý người nghiện không có nơi cư trú” để quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Còn TPHCM là địa bàn đặc thù, tâp trung nhiều người nghiện không có nơi cư trú ổn định. Hiện số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn TP là trên 19.200 người và ước có 9-15.000 người nghiện không có nơi cư trú ổn định. Nếu không có giải pháp để đưa vào các cơ sở cai nghiện tập trung sẽ ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội.
Vì vậy, Thủ tướng vừa qua đã chủ trì cuộc họp về vấn đề này với sự tham gia của đầy đủ các bộ, ban, ngành chức năng và các địa phương liên quan. Trên cơ sở tờ trình, kiến nghị của TPHCM, Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội đồng ý với đề nghị của TPHCM cho phép thí điểm thành lập Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội để quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian các cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các địa phương có số lượng lớn người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định có điều kiện cũng được phép lập các trung tâm tương tự để quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ, trên cơ sở tận dụng các cơ sở và nguồn nhân lực hiện có.
PHAN THẢO