Theo kế hoạch, hôm nay 15-11, Tổng thống Park Geun-hye và lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Choo Mi-ae sẽ gặp nhau để tìm giải pháp cho tình hình bế tắc chính trị hiện nay. Tuy nhiên, cuối ngày 14-11, bà Choo Mi-ae đã rút lại đề nghị gặp Tổng thống Park Geun-hye do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ trong nội bộ đảng này cũng như nhiều chính đảng khác.
Thêm 2 cựu thư ký bị nghi ngờ
Phản ứng về quyết định trên của bà Choo, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã bày tỏ thất vọng và nhấn mạnh lập trường vẫn tìm kiếm đối thoại với phe đối lập. Trước đó, ngày 14-11, tuyên bố tại cuộc họp của Hội đồng tối cao của đảng, bà Choo Mi-ae cho biết: “Tôi đang tìm cơ hội nói chuyện chân tình với Tổng thống Park để thảo luận về những suy nghĩ của công chúng, đồng thời tìm giải pháp cho tình hình bế tắc chính trị hiện nay”.
Lời đề nghị trên của bà Choo Mi-ae được đưa ra sau khi hàng chục ngàn người dân Hàn Quốc ngày 12-11 đã tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Seoul đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức. . Người phát ngôn Yeom Dong-yeol của đảng Saenuri cầm quyền đã hoan nghênh đề nghị này và bày tỏ hy vọng đây sẽ là một cầu nối để góp phần giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, đảng Nhân dân - một đảng nhỏ trong phe đối lập - đã tỏ thái độ không hài lòng về kế hoạch trên và phê phán đề nghị của bà Choo với lý do phe đối lập chưa thống nhất được lập trường về cách xử lý tình hình hiện nay.
Ông Lee Jae-man, cựu thư ký Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, trong vòng vây báo giới
Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, các ủy viên công tố Hàn Quốc đã triệu tập 2 cựu thư ký của Tổng thống Park Geun-hye là Lee Jae-man và Ahn Bong-geun do nghi ngờ những người này dính líu tới vụ bê bối liên quan đến bà Choi Soon-sil, bị nghi ngờ đã can thiệp vào các công việc nhà nước.
Hai cựu thư ký Lee Jae-man và Ahn Bong-geun, từng hỗ trợ bà Park trong gần 2 thập niên đã trình diện tại Văn phòng Công tố quận trung tâm Seoul để thẩm vấn. Hai cựu thư ký nêu trên và cố vấn tổng thống Jeong Ho-seong được coi là 3 đầu mối dẫn đến sự liên hệ trực tiếp tới Tổng thống Park Geun-hye. Trước đó, ông Jeong Ho-seong đã bị bắt do tình nghi có liên quan trong vụ rò rỉ tài liệu mật của Tổng thống Park cho bà Choi.
Áp lực từ chính sách đối ngoại
Trong một diễn biến khác cùng ngày, các đảng đối lập ở Hàn Quốc tuyên bố nếu Bộ Quốc phòng nước này thúc đẩy việc ký kết Thỏa thuận an ninh chung về chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản thì họ sẽ tìm cách loại bỏ Bộ trưởng Han Min-koo.
Lãnh đạo lâm thời của đảng Nhân dân cũng thuộc khối đối lập Park Jie-won cũng cảnh báo rằng, nếu Bộ Quốc phòng vẫn nỗ lực thúc đẩy việc ký kết GSOMIA thì 3 đảng đối lập, trong đó có cả đảng Công lý sẽ hợp lực tìm cách loại bỏ Bộ trưởng Quốc phòng.
4 năm trước, Nhật Bản và Hàn Quốc đã không thể ký kết thỏa thuận này do vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập và nhóm dân sự của Hàn Quốc với lý do chính phủ nước này đã bí mật thúc đẩy việc trên mà không được sự chấp thuận của công chúng. Trong bối cảnh Triều Tiên gia tăng đe dọa quân sự, Hàn Quốc và Nhật Bản đang có kế hoạch sẽ ký kết GSOMIA tạm thời nhằm tăng cường hợp tác đối phó.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn tuyên bố của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Seoul sẽ vẫn duy trì chính sách hiện nay là tập trung vào việc gây sức ép và áp đặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau khi chính quyền của ông Donald Trump nhậm chức vào đầu năm tới. Tuyên bố nhấn mạnh, chính phủ sẽ nỗ lực tăng cường các mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ và chặt chẽ với chính quyền tiếp theo của Mỹ, đồng thời duy trì tính liên tục của các chính sách liên quan đến Triều Tiên. Ngoài ra, bộ này còn cho biết thêm, họ sẽ theo đuổi việc tiếp xúc với đội ngũ của ông Trump thông qua nhiều kênh khác nhau để tăng cường sự hiểu biết chung không chỉ về vấn đề hạt nhân mà còn về nhiều vấn đề khác ở Triều Tiên.
HẠNH CHI (tổng hợp)