
Chiếc ghe neo đậu sát bờ sông gần cầu Phú Cường (Bình Dương), đã chất đầy cỏ, nhưng anh thanh niên đen nhẻm với chiếc liềm trên tay vẫn thoăn thoắt. Tôi hỏi: Nhà nuôi mấy con bò mà cắt nhiều cỏ vậy?. “Không! Cỏ này đem ra chợ bán!”.
- Diện mạo chợ cỏ

Chợ cỏ bắt đầu nhóm họp.
Ảnh: QUANG ĐẠT
Cái chợ mà anh Thạch Dưỡng (quê Trà Vinh) nói ở ấp 6, xã Bình Mỹ, Củ Chi, TPHCM. Khác với chợ thường, chợ ở đây chỉ bán... cỏ. Cỏ được cột thành bó, nằm đầy ắp cả ghe, nằm dọc lề đường, cỏ phủ đầy những xe gắn máy, cỏ ngất ngưỡng trên những xe máy cày… Chợ cỏ chỉ nhóm họp vào giữa chiều đến chạng vạng tối, và tùy thuộc theo… con nước. Hễ nước lên thì họp sớm, cũng có khi phải đợi đến 7-8g tối chợ mới họp vì lúc này ghe mới cập bến được… Phiên chợ họp rồi tan cũng rất nhanh khi cỏ đã được kẻ bán người mua thỏa thuận. Mùa khô, cỏ khan hiếm, chợ cỏ hoạt động rầm rộ, nhộn nhịp hơn.
Chúng tôi đến lúc 6g chiều, cỏ đã được chất đầy 3 xe máy cày, nằm bên vệ đường. Các bác tài chờ lấy “phiếu” từ bà chủ trẻ chưa đầy 30 tuổi, làm “thủ tục” cho xe lăn bánh. Trong khi đó, hai bên chân cầu, hai xe máy cày khác cũng đang khẩn trương chất cỏ lên xe, nhiều ghe cỏ xếp nhau dưới chân cầu. Anh Minh, chủ vựa cỏ tại đây, vừa phụ đám thanh niên chất cỏ lên xe, vừa trả lời: “Mỗi ngày, tôi cung cấp từ 8 đến 10 tấn, nay tăng gấp đôi, gấp ba, vì mối lái đã đặt hàng hết rồi, không để mất uy tín”.
Bán cỏ chuyên nghiệp
Có người gọi đây là chợ cỏ miền Tây bởi chợ này được những người đến từ ĐBSCL gầy dựng lên sau cơn lũ năm 2002. Họ là đội quân cắt lúa chạy đồng, sau lũ, họ không có việc làm nên tha phương cầu thực. Mang tiếng là nông dân “chuyên nghiệp”, bao đời gắn liền với cái liềm, cái cày, cái cuốc nhưng bản thân họ không có “cục đất chọi chim”… Và cuộc sống đã đưa họ trở thành “chủ nhân” của cái chợ cỏ này. Chợ cỏ ngày càng lớn dần và trở thành nơi “cứu cánh” của nông dân ngoại thành trong việc phát triển đàn bò sữa theo chủ trương của thành phố.
Đội quân cắt cỏ thuê, ngoài anh Thạch Dưỡng còn có nhiều người Khmer cùng quê với anh là Thạch Nhơn, Sơn Biên và hàng chục người Khmer ở các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Ở quê thường cắt lúa mướn, cắt lúa chạy lũ nên với các anh, cắt cỏ được xem là… chuyện nhỏ. Đội quân này chia thành 3 ghe, sáng sớm họ xuôi theo sông Sài Gòn đến các nhánh kênh, rạch khắp nơi cắt cỏ. Thậm chí họ còn đến tận Bến Cát, Dầu Tiếng (Bình Dương), vào đến những con đê, bưng biền, đầm lầy trũng có nhiều cỏ mọc, nơi nào có cỏ là họ có mặt. Mỗi ngày, một thợ cắt cỏ chuyên nghiệp có thể cắt trên 100 bó, người nào giỏi có thể cắt được 150–180 bó. Lương cũng khá, từ 1,5 triệu – 2 triệu đồng/người/tháng. Cơm nước, thuốc men khi bệnh đau chủ lo hết.
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, hiện TP có khoảng trên 60.000 con bò sữa, chủ trương của TP đến 2010 phải đạt trên 80.000 con. Để đạt sản lượng 7.000kg sữa/chu kỳ thì cần từ 3–35kg cỏ/con/ngày. Nhu cầu cỏ tương lai vẫn là một thị trường lớn. TP dự kiến xây một chợ cỏ tại ngoại thành, nhưng hơn 5 năm nay vẫn chưa thành lập được. Hiện nay, những phiên chợ cỏ Bình Mỹ cung cấp lượng cỏ không nhỏ cho người chăn nuôi, vừa tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm nông dân. |
Lên chiếc ghe đầy cỏ, anh thanh niên to cao, tóc xoắn tên Sơn Biên, quê huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thở phào nhẹ nhõm: “Ở quê, chỉ làm theo mùa, còn ở đây làm hoài. Tiền làm bao nhiêu, còn y nguyên, gửi về cho vợ con nó mừng. Hôm nào mưa gió trở trời, bệnh đau thì chủ vẫn lo tiền thuốc men, nên tui thích nghề lắm”.
Cỏ ở đây được bán 1.800đ/bó (khoảng 6kg/bó), chủ yếu là cỏ dại ven sông rạch như cỏ voi, cỏ sả, cỏ lùn, cỏ phụng, cỏ mật… đánh đồng giá cả. Thứ cỏ dại này được người chăn nuôi ưa chuộng vì giá rẻ, hàm lượng dinh dưỡng cao, bò sữa rất thích ăn…
Ông Nguyễn Hữu Danh ở ấp 5, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn cho biết, nhà ông nuôi 130 con bò sữa, mỗi ngày một con ăn khoảng 30kg cỏ tươi. Cắt cỏ không nổi, vả lại cỏ nhà cũng mọc không… kịp nên ông phải mua thêm 500 bó cỏ mỗi ngày. Bận túi bụi không có thời gian đi mua cỏ, nên giao khoán cho vợ chồng Minh, Phi ở chợ cỏ Bình Mỹ. Phần lớn Minh lái công nông lạch tạch chở cỏ đến giao tận nhà cho những người như ông Danh và “mối lái” rải khắp xã Đông Thạnh (Hóc Môn) và Tân Thạnh Đông (Củ Chi). Phần còn lại, cô vợ để ở chợ bán lẻ, ai có nhu cầu vài chục bó thì chiều chiều đánh Honda ra mua.
QUANG ĐẠT