Chớ coi thường “bà hỏa”

Từ đầu năm 2014 đến nay, cứ vài ngày các phương tiện truyền thông lại đưa tin về một vụ cháy lớn. Từ cháy tàu xe, cháy nhà máy, cơ sở sản xuất đến cháy chợ, rồi cháy rừng. Các vụ cháy nổ bình gas, bình xăng, cưa bom mìn, chế thuốc nổ… cũng xảy ra như cơm bữa. Từ xưa đến nay, nói tới “bà hỏa” ai cũng sợ. Bởi chỉ cần một ngọn lửa nhỏ từ sự vô tâm vô tình là cả núi tài sản của một hoặc rất nhiều người, của quốc gia có thể thành tro bụi.

Theo tài liệu mà Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Bộ Công an đưa ra tại Tuần lễ quốc gia về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ vừa tổ chức vào giữa tháng 3-2014, trong năm 2013 trên cả nước đã xảy ra gần 2.700 vụ cháy nổ, làm chết trên 100 người, bị thương gần 200 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1.700 tỷ đồng và hơn 900ha rừng bị lửa thiêu rụi. Các vụ cháy nổ lớn gần đây mà chúng ta còn chưa quên như “bom” nổ trong nhà ở phường 8 quận 3 TPHCM làm 11 người thiệt mạng, kéo sập 3 ngôi nhà được nghi do tự ý chế đạo cụ khói lửa cho phim trường; rồi vụ cháy lớn ở Công ty may Hà Phong (Bắc Giang) làm 1.500 xe máy của công nhân và toàn bộ nhà kho, xưởng bị thiêu rụi; cháy khủng khiếp tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội), cháy trung tâm thương mại Hải Dương làm thiệt hại 500 tỷ đồng, nổ tại nhà máy sản xuất pháo hoa ở Phú Thọ làm 26 người chết và 98 người bị thương, và mới đây nhất là vụ cháy chợ Phố Hiến ở Hưng Yên…

Điều đáng lo là các vụ cháy lớn đều xảy ra chủ yếu ở các tỉnh và thành phố có điều kiện kinh tế phát triển, thời điểm xảy ra cháy nổ chủ yếu vào giờ hành chính. Theo thống kê, nguyên nhân gây cháy nổ do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện chiếm 44,6% và do sơ xuất trong sử dụng lửa, xăng dầu, khí đốt chiếm 16,5%.

Cháy rừng cũng đang là nỗi lo và trở thành vấn đề nan giải từ nhiều năm nay. Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 30.000 - 50.000ha rừng bị mất đi, trong đó khoảng 10% diện tích rừng mất là hậu quả của cháy rừng.

Để trồng được một khu rừng có khi phải mất hàng chục năm và phải nhọc công vun từng gốc một, nhưng chỉ cần sơ ý hoặc vô ý thì chỉ trong vài giờ đến 1 - 2 ngày là cả cánh rừng thành tro than hoang tàn và xót xa. Mặc dù chúng ta đã chủ động tuyên truyền, rồi ở khu rừng nào cũng có cả đội ngũ kiểm lâm được giao nhiệm vụ giữ rừng, ngoài ra còn có chính quyền cơ sở là đơn vị bám sát và gần gũi người dân nhất, có thể chủ động vận động, hướng dẫn người dân cách bảo vệ rừng, nêu cao ý thức chống cháy rừng… nhưng rừng vẫn cứ cháy ở nơi đó. Trong khi tốc độ trồng rừng vẫn còn ì ạch thì các vụ cháy (cùng với phá rừng) lại tàn phá một diện tích rừng đáng kể. Có những nơi như ở rừng Hoàng Liên Sơn, cháy rừng không chỉ xóa sổ một khu rừng mà còn để lại những nguy cơ cho những khu rừng khác. Với rừng, hỏa hoạn không phải là một thiên tai mà là nhân tai.

Chúng ta đều hiểu, hỏa hoạn xảy ra không chỉ gây thiệt hại cho công trình, cơ sở trực tiếp gây cháy mà có thể đe dọa những công trình khác lân cận và tính mạng của nhiều người liên quan. Một vụ cháy nổ xảy ra, không chỉ cá nhân, đơn vị gây cháy phải chịu xử lý mà cơ quan có trách nhiệm quản lý cháy nổ cũng có trách nhiệm. Dường như lâu nay, chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, kêu gọi, cảnh báo và như thế thì chưa đủ sức răn đe. Mỗi năm cũng chỉ hô hào khẩu hiệu phòng chống cháy nổ vào một “tuần lễ” hoặc hưởng ứng “tháng hành động”… rồi lại nhanh chóng trôi vào quên lãng. Để phòng những vụ cháy lớn có thể xảy ra, bên cạnh nêu cao ý thức thì cần phải áp dụng hiệu quả các chế tài xử phạt đối với những cơ sở, cá nhân gây ra cháy cũng như không chấp hành các điều kiện để phòng và chữa cháy nổ. Chính quyền và cơ quan công an, kiểm lâm phải có trách nhiệm và tăng cường hơn công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở, cơ quan đơn vị, nhà máy không tuân thủ các quy trình, đầu tư thiết bị phòng và chữa cháy… Và để đẩy lùi cháy nổ thì giải pháp chính yếu là chủ động “phòng”, đừng để đến khi xảy ra sự cố rồi mới nỗ lực dập lửa, cứu chữa.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục