6 giáo viên tiểu học được trao giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là 6 gương mặt có tuổi đời, hoàn cảnh giảng dạy khác nhau, nhưng tất cả đều giống nhau ở lòng yêu nghề, sự say mê công việc. Đối với các thầy cô giáo, chính sự yêu mến của học trò là phần thưởng vô giá. Và hạnh phúc, đôi khi chỉ đơn sơ, bình dị như thế…
Những món quà tinh thần
Thầy giáo trẻ Mai Quang Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (quận 3) nhớ lại, khoảng thời gian học sư phạm, lớp toàn sinh viên nữ, chỉ một số ít là nam. Nhưng bỡ ngỡ ban đầu qua nhanh, chàng trai có dáng người cao gầy, giọng “rặt” Nam bộ ấy đã sớm hòa nhập môi trường mới. Những ngày tháng đứng trên bục giảng, anh yêu sự hồn nhiên, quý trọng từng tình cảm chân thành của học trò. Anh kể, có một lần học trò tặng mình chiếc áo, về nhà mở ra mới biết áo chỉ để… ngắm, chứ không thể mặc. Hỏi ra mới biết do học sinh thấy màu áo đẹp thì nghĩ ngay đến thầy mà quên mất việc chọn size. Nhưng cũng vì thế mà món quà trở nên đặc biệt, tuy không thể sử dụng nhưng mang ý nghĩa tinh thần to lớn.
Thầy giáo Mai Quang Phương và các em học sinh lớp 4/3, Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (quận 3)
Từ khi theo đuổi nghề dạy đến nay, thầy Phương tự hào vì chưa bỏ buổi dạy nào. Có thời gian kiêm nhiệm cùng lúc 3 công việc: giáo viên, Tổng phụ trách Đội và Chủ tịch Công đoàn, cả ngày quay vòng với cả “núi” công việc, nhưng anh vẫn làm tốt.
Nhận xét về anh, nhiều giáo viên trong trường cho biết thầy Phương là người nơi nào có anh, nơi đó tràn ngập tiếng cười. Riêng đối với học sinh, tất cả tiết dạy của thầy Phương đều sôi động, “Học mà chơi, chơi mà học” khiến các em luôn mong chờ giờ học của thầy.
Trong khi đó, đối với thầy giáo Nguyễn Hà Minh Thuận, giáo viên chủ nhiệm lớp 5D, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 7), nghề giáo mang lại cho anh niềm vui khi nhìn từng thế hệ học trò khôn lớn.
Thầy Thuận bày tỏ, nhiều em khi còn là học sinh tiểu học rất nghịch phá, không chịu học. Qua thời gian, cùng sự động viên của anh và hỗ trợ từ gia đình, những học sinh này dần có ý thức học tập. Bẵng đi 5, 10 năm, các em quay về trường cũ thăm thầy cô giáo. Nhìn các em trưởng thành, chững chạc, có người tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, khiến trái tim người thầy vô cùng hạnh phúc.
“Nghề giáo tuy vất vả nhưng cho tôi niềm vui không gì so sánh được. Tôi đến với các em bằng tình thương và ngược lại cũng nhận từ học trò nhiều tình cảm to lớn”, anh chia sẻ.
Cùng suy nghĩ này, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hà Liên, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (quận 8) lại rưng rưng vì một lời hẹn của học trò. Cô kể, đó là một bức thư học trò gửi cô vào ngày cuối cùng của năm học. Trong thư chỉ vỏn vẹn dòng chữ: “15 năm sau em sẽ về trường tìm cô và tặng cô những món quà có giá trị”.
Cô Liên bày tỏ, không cần đợi 15 năm sau, lời hẹn đã là món quà đầy giá trị cô biết mình sẽ mãi gìn giữ. Gia tài lớn nhất sau hơn 16 năm đi dạy của cô giáo trẻ không phải là tiền tài, vật chất mà chính là những món quà, tấm thiệp đầy tình cảm của học trò.
Sức mạnh của lòng yêu nghề
Tuổi đời lớn nhất trong số 6 giáo viên tiểu học đoạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là cô Trần Thị Bạch Yến, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/6, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình).
Nhìn lại quãng đường hơn 30 năm đi dạy, cô Liên tâm sự rằng đã 2 lần phải gián đoạn công việc vì lý do gia đình và sức khỏe. Hiện nay, tuy vẫn mang trong mình nhiều chứng bệnh, cổ bị u hạch dây thanh, nhưng người giáo viên gầy gò, tuổi đời ngấp nghé ngưỡng về hưu vẫn luôn mang tình yêu đặc biệt với nghề “gõ đầu trẻ”.
“Người ta nói người già tiếp thu công nghệ thông tin kém nhưng tôi lại xem đó là thế mạnh của mình. Ngay cả việc nhảy dây, chơi đùa cùng học trò tôi đều làm tốt”, cô Yến cho biết. Hỏi cô sức mạnh nào khiến tinh thần “trẻ hóa” như thế, cô hài hước kể, trong một lần tiếp nhận lớp mới, câu đầu tiên học trò hỏi là vì sao cô già và ốm thế. “Tuổi các em thường thích giáo viên trẻ, đẹp. Biết mình không có hai ưu điểm đó nên tôi phải dùng sự trẻ trung, sự nhiệt tình để gần gũi các em”, cô lý giải.
Nhận xét về người chị, người bạn đồng nghiệp này, cô Nguyễn Thị Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết luôn dành cho cô Yến sự trân trọng vì sự tận tâm, quan tâm từng hoàn cảnh học trò. Đối với đồng nghiệp, cô Yến lại dành sự nhiệt tình, chia sẻ với các bạn bí quyết nuôi dưỡng lòng yêu nghề.
Danh sách giáo viên tiểu học đạt giải Võ Trường Toản năm nay còn có cô Lê Thanh Lan, giáo viên Trường Tiểu học Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) và thầy Vương Mộng Long, giáo viên Trường Tiểu học Cần Thạnh (huyện Cần Giờ).
Đây là hai giáo viên đang công tác tại các huyện ngoại thành, điều kiện sinh hoạt và giảng dạy còn nhiều thiếu thốn, nhưng bằng lòng yêu nghề, sự say mê cống hiến, vẫn kiên trì bám trường lớp. Trong đó, thầy Vương Mộng Long có 13 năm công tác tại xã đảo Thạnh An, một trong những xã đảo kinh tế còn khó khăn, giáo viên một buổi đi dạy, buổi còn lại tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn. Nhiều lần học sinh bỏ học, thầy lặn lội đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, động viên các em quay lại lớp.
Có thể nói, lòng yêu nghề đã trở thành sức mạnh, giúp các thầy cô không quản khó nhọc. Họ vừa là người thầy, người bạn, có lúc trong vai trò người cha, người mẹ nuôi dưỡng từng thế hệ học sinh khôn lớn.
Thu Tâm